Thông tin tài liệu:
Tập đoàn Philips là nhà sản xuất thiết bị điện gia dụng lớn thứ ba trên thế giới, sau Sony và Matsushita của Nhật Bản. Hiện Giám đốc marketing toàn cầu của Philips là Andrea Ragnetti đang thực hiện sứ mệnh làm cho tất cả các sản phẩm của Philips trở nên cực kỳ đơn giản với người sử dụng, giống như chiếc máy pha cà phê, sau khi cho nước và cà phê vào máy thì công việc khó khăn nhất của người sử dụng chỉ là bấm để chọn một hay hai cốc cà phê mà thôi.......
Nội dung trích xuất từ tài liệu:
Chiến lược đơn giản hoá sản phẩm của Philips
Chiến lược đơn giản hoá sản phẩm của Philips
Tập đoàn Philips là nhà sản xuất thiết bị điện gia dụng lớn thứ ba trên thế giới, sau Sony và
Matsushita của Nhật Bản. Hiện Giám đốc marketing toàn cầu của Philips là Andrea Ragnetti
đang thực hiện sứ mệnh làm cho tất cả các sản phẩm của Philips trở nên cực kỳ đơn giản với
người sử dụng, giống như chiếc máy pha cà phê, sau khi cho nước và cà phê vào máy thì công
việc khó khăn nhất của người sử dụng chỉ là bấm để chọn một hay hai cốc cà phê mà thôi.
Trọng tâm của chiến lược đơn giản hoá sản phẩm là phải làm sao để người tiêu dùng sử dụng
mọi sản phẩm của Philips một cách dễ dàng. Theo ông Gerard Kleisterlee, Tổng Giám đốc điều
hành của Philips thì kết quả nghiên cứu thị trường cho thấy 30% các sản phẩm gia dụng bị trả
lại chỉ vì người tiêu dùng không thể làm cho chúng hoạt động được; 48% số người dự định mua
camera kỹ thuật số từ bỏ ý định mua máy chỉ vì theo họ cách sử dụng quá phức tạp. “Chúng ta
phải làm cho mọi sản phẩm trở nên sử dụng dễ dàng hoặc các sản phẩm kỹ thuật số sẽ không
bao giờ đi vào đời sống xã hội”, ông nói.
Philips là tập đoàn rất chú trọng hoạt động nghiên cứu khoa học và sáng chế ra nhiều sản phẩm
mới như máy cạo râu, audiocasset và đĩa compact. Nhưng Philips cũng đã từng rơi vào tình
trạng khó khăn bởi các hoạt động marketing kém hiệu quả. Năm 1980, Philips để mất thị trường
băng video vào tay Sony và Matshushita do hai tập đoàn này cho phép sử dụng công nghệ của
họ tự do mà không cần giấy phép mặc dù hệ thống băng video của tập đoàn được nhiều chuyên
gia kỹ thuật đánh giá cao hơn Betamax của Sony và VHS của Matshushita. Thời kỳ đó, Philips là
một công ty đa quốc gia với những bộ phận hoạt động độc lập. Mặc dù ngay sau đó Philips đã
tiến hành cải tổ và liên tục tung ra các chiến dịch tiếp thị bất ngờ nhưng cũng không cải thiện
được tình hình kinh doanh. Hai năm 2001 và 2002, tập đoàn bị thua lỗ lớn và Philips buộc phải
sa thải 55.000 nhân viên, chiếm gần ¼ tổng số nguồn nhân lực năm 2000. Philips sáp nhập hơn
30 bộ phận trở thành 5 bộ phận chính là Điện gia dụng; sản phẩm nội trợ; sản phẩm chiếu
sáng; hệ thống thiết bị y tế và thiết bị bán dẫn.
Năm 2001, ông Kleisterlee, người có thâm niên 30 năm làm việc cho Philips, được bổ nhiệm
chức vụ Tổng Giám đốc điều hành. Ông tiếp tục bắt tay cải tổ tập đoàn. Tháng tư năm nay,
doanh số tiêu thụ sản phẩm của tập đoàn đã tăng khiêm tốn, đạt 6,6 tỷ Euro và lợi nhuận thuần
là 550 triệu Euro so với mức thua lỗ 69 triệu Euro cùng kỳ năm ngoái. Có được kết quả này là
nhờ tập đoàn chú trọng tăng cường sản xuất chíp và tăng doanh số bán sản phẩm từ liên doanh
sản xuất màn hình tinh thể lỏng với hãng LG của Hàn Quốc. Hiện loại màn hình này đang được
sử dụng rất nhiều để sản xuất loại tivi mỏng và dùng làm màn hình máy tính.
Với những lĩnh vực như thiết bị chiếu sáng và y tế, Philips cũng ra sức cải tiến hoạt động kinh
doanh. Tập đoàn sử dụng kinh nghiệm từ sản xuất kinh doanh của lĩnh vực này để áp dụng vào
lĩnh vực khác. Ví dụ, lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế đang sản xuất máy khử rung tim loại nhỏ
dành cho những người không có kinh nghiệm y tế sử dụng tại nhà để cứu chữa cho những
người bị nhồi máu cơ tim. Bộ phận sản xuất đèn chiếu sáng thì kết hợp với bộ phận sản xuất đồ
điện gia dụng để sản xuất ra hệ thống đèn có thể thay đổi màu sắc phù hợp với màu ánh sáng
trên màn hình tivi để tạo cảm giác cho người xem thoải mái hơn.
Philips khẳng định chiến lược làm cho sản phẩm dễ sử dụng hơn không có nghĩa là sử dụng
công nghệ thấp. Tập đoàn sẽ tiếp tục sử dụng các công nghệ tiên tiến để sản xuất ra các sản
phẩm chất lượng cao với nhiều tính năng ưu việt mà người sử dụng không cần phải đọc những
bản hướng dẫn sử dụng rườm rà. Trong tương lai, sản phẩm của Philips sẽ không còn những
màn hình hướng dẫn sử dụng như hiện nay. Giám đốc tiếp thị toàn cầu của Philips hy vọng
chiến lược này sẽ đưa Philips trở thành nhà cung cấp sản phẩm công nghệ cao, thân thiện với
người sử dụng và chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Theo kế hoạch, tháng Tám này tập
đoàn sẽ bắt đầu chiến dịch tiếp thị cho một số sản phẩm kiểu mới này. Tuy nhiên. Philips sẽ
phải đối đầu với cuộc cạnh tranh khốc liệt từ Sony của Nhật Bản và Samsung của Hàn Quốc.