Thông tin tài liệu:
Học tiếng Anh bằng thẻ nhớ
.Để học từ vựng mau và nhớ lâu, có thể học với thẻ nhớ giấy (Flash Card). Đó là những mẫu giấy có kích cỡ như tấm danh thiếp, một mặt ghi từ tiếng Anh, mặt kia ghi nghĩa của từ. Theo nhóm Double - E, sinh viên Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2, việc nhớ thông tin trên thẻ giấy là phương pháp học bằng thị giác.
Nội dung trích xuất từ tài liệu:
Học tiếng Anh bằng thẻ nhớ
Học tiếng Anh bằng thẻ nhớ
Để học từ vựng mau và nhớ lâu, có thể học với thẻ nhớ giấy (Flash Card). Đó là
những mẫu giấy có kích cỡ như tấm danh thiếp, một mặt ghi từ tiếng Anh, mặt kia
ghi nghĩa của từ.
Theo nhóm Double - E, sinh viên Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2, việc nhớ
thông tin trên thẻ giấy là phương pháp học bằng thị giác. Khác với cách học bằng
từ điển hoặc sổ ghi chép, nghĩa của từ cần tra sẽ không nằm bên cạnh mà được
giấu ở mặt sau. Cách sắp xếp thông tin đơn giản trên từng thẻ khiến việc học hiệu
quả hơn so với các danh sách từ dài, dàn trải. Muốn xem nghĩa, bạn phải lật thẻ
qua lại, chỉ cần vài lần sẽ giúp bạn ghi nhớ tốt hơn và nhớ thật lâu.
Ngoài ra, vì kích thước nhỏ gọn nên chúng được xâu thành chùm gồm 30 - 50 từ
hoặc đoạn văn để bạn mang theo và học bất cứ khi nào có thời gian rảnh như lúc
trên xe buýt, giờ ra chơi…
Dựa trên phương pháp của Sebastian Leitner (người Đức), người học sẽ có 5
chiếc hộp đánh số từ 1 đến 5. Lấy ngẫu nhiên khoảng 30 - 50 thẻ cho vào hộp 1.
Những từ nào phát âm đúng, hiểu nghĩa và thuộc lòng sẽ cho vào hộp 2, những từ
không nhớ sẽ ở lại hộp 1. Cứ tiếp tục như thế cho đến khi nào tất cả từ đều đến hộp
5. Bạn cũng đặt một lịch hẹn để ôn tập các từ. Hộp 1: 1 ngày/lần, hộp 2: 3
ngày/lần, hộp 3: 5 ngày/lần, hộp 4: 7 ngày/lần, hộp 5: 14 ngày/lần.
Để học hiệu quả, nên tuân thủ những nguyên tắc như: Đầu tiên đọc từ chính, đọc ví
dụ và đoán nhanh nghĩa của từ. Việc đoán đúng hay sai không quan trọng ở bước
này. Tiếp theo, xem mặt sau để biết nghĩa đúng của từ. Trong tiếng Anh, một từ có
nhiều nghĩa. Nghĩa ở đây là nghĩa phổ biến nhất của từ, hoặc là nghĩa phù hợp nhất
với chủ đề.
Sử dụng cả 2 mặt của thẻ một cách hợp lý, xem cả hai mặt nhiều lần để nhớ thông
tin. Ví dụ, khi học một từ mới, một mặt là từ cần học, một mặt là cụm định nghĩa
ngắn cho từ. Mỗi thẻ chỉ nên mang một mẩu thông tin dưới dạng một câu hỏi - một
câu trả lời. Thông tin phải ngắn gọn và khi học chỉ cần lướt qua thật nhanh. Có thể
vẽ hình minh họa trên thẻ hoặc cắt dán hình từ các tạp chí. Nên sử dụng thẻ màu để
giúp người học nhớ được một đặc tính nào đó của từ.
Ví dụ: màu xanh cho những từ có ý nghĩa tốt đẹp, tích cực, màu đỏ hoặc vàng cho
những từ có nghĩa tiêu cực, màu trung tính cho những từ không mang nghĩa xấu
hay tốt. Hãy thay đổi thứ tự các thẻ sau mỗi lần ôn tập. Vì nếu luôn ghi nhớ thông
tin theo một thứ tự, bạn sẽ khó nhớ được thông tin khi nó nằm trong tình huống
khác không theo thứ tự đã học.
Theo thạc sĩ Đoàn Thị Thu Thủy, giảng viên tiếng Anh Trường ĐH Kinh tế
TP.HCM, hình thức này sẽ hỗ trợ phần nào đối với những người cần lấy chứng chỉ
ngoại ngữ có lượng từ vựng lớn như SAT, GRE, GMAT.