HƯỞNG THỤ VĂN HOÁ
1. GIÁM THỨC
Mục đích của giáo dục và văn hóa chỉ là để phát triển khả năng giám thức và luyện tập nên những hành vi tốt. Con người có văn hóa hay có giáo dục không nhất thiết là phải có học thức rộng, nhưng phải biết yêu những cái đáng yêu, ghét những cái đáng ghét. Biết cái gì đáng yêu, cái gì đáng ghét là có giám thức (goût). Không gì bực mình bằng gặp một người đầu óc đầy những niên đại và tên nhân vật lịch sử, biết rõ những việc bên...
Nội dung trích xuất từ tài liệu:
HƯỞNG THỤ VĂN HOÁ
HƯỞNG THỤ VĂN HOÁ
1. GIÁM THỨC
Mục đích của giáo dục và văn hóa chỉ là để phát triển khả năng giám thức và luyện
tập nên những hành vi tốt. Con người có văn hóa hay có giáo dục không nhất thiết
là phải có học thức rộng, nhưng phải biết yêu những cái đáng yêu, ghét những cái
đáng ghét. Biết cái gì đáng yêu, cái gì đáng ghét là có giám thức (goût). Không gì
bực mình bằng gặp một người đầu óc đầy những niên đại và tên nhân vật lịch sử,
biết rõ những việc bên Nga, bên Tiệp Khắc, mà kiến giải hoặc thái độ thì hoàn
toàn lầm lẫn. Tôi đã gặp những con người như vậy và tôi thấy về vấn đề gì họ
cũng đưa ra sự kiện này, sự kiện khác mà kiến giải của họ thì thật là tệ hại. Học
vấn của họ thật quảng bác nhưng họ thiếu giám thức, không biết phán đoán. Học
thức quảng bác là học thức nhồi vào sọ cho thật nhiều sự kiện; còn sự giám thức,
sự biện biệt phải trái là vấn đề phán đoán về cái thiện, cái mĩ. Khi phê bình một
văn nhân, người Trung Hoa thường phân biệt học vấn, kiến thức với đức hạnh.
Đối với các sử gia, sự phân biệt như vậy cũng xác đáng; một bộ sử có thể chứa đầy
những tài liệu quí mà thiếu hẳn sự sâu sắc, sự phán đoán chân chính; khi luận về
việc và người, tác giả có thể không có chút kiến giải trác việt, thâm thúy. Một tác
giả như vậy ta gọi là thiếu nhãn thức. Tra cứu kĩ, thu thập được nhiều tài liệu và
chi tiết là việc rất dễ. Trong thời đại lịch sử nào cũng có vô số sự kiện cho ta thu
thập, nhưng biết biện biệt những sự kiện nào có ý nghĩa để lựa chọn là việc vô
cùng khó khăn hơn và tùy ở kiến giải mỗi người.
Cho nên người có giáo dục, học vấn là người biết phân biệt thị phi, yêu cái đáng
yêu, ghét cái đáng ghét. Biết phân biệt như vậy tức là có giám thức, mà có giám
thức thì có nhã hứng. Muốn có giám thức phải có một khả năng suy tư sâu sắc, có
tinh thần độc lập trong sự phán đoán, phải cương quyết không để cho một hình
thức nào phỉnh gạt ta, một mê hoặc nào làm chóa mắt ta, mà những phỉnh gạt đó
đầy dẫy chung quanh ta; nào là danh vọng, nào là lợi lộc; tới chính trị, lòng ái
quốc, tôn giáo cũng dễ phỉnh gạt ta nữa; rồi lại thêm trong bọn thi sĩ, nghệ sĩ, tâm
lí gia… có bao nhiêu kẻ dùng những thủ đoạn phỉnh gạt. Khi một nhà phân tâm
học bảo ta rằng sự hoạt động của các cơ quan bài tiết trong tuổi thơ có ảnh hưởng
lớn tới tính tình của ta, có thể làm cho ta lớn lên thành ra tham lam, tàn bạo hay là
ôn hòa, biết bổn phận của mình; hoặc khi họ bảo rằng bệnh táo làm cho tính tình ta
hóa ti tiểu, thì một người có giám thức, biết biện biệt, chỉ có một thái độ là mỉm
cười1[1]. Khi một kẻ nào đó lầm thì đừng viện danh nhân này, tác phẩm nọ để lòe
ta; viện gì đi nữa thì cũng vẫn là lầm.
Vậy giám thức liên quan mật thiết với đức can đảm hay với đức hùng tâm mà đức
này khá hiếm. Tất cả những tư tưởng gia, văn sĩ lưu lại được cái gì, đều có đức đó.
Một người có đức đó có thể không thích một thi nhân mặc dầu thi nhân này được
mọi người ngưỡng mộ; và khi thích một thi nhân nào thì có thể giảng được tại sao,
vì đã có sự phán đoán riêng của mình rồi. Cái đó ta gọi là nhãn thức về văn
chương. Người đó cũng không chịu khen một họa phái mới nhất nếu bản tâm
không thích. Cái đó ta gọi là nhãn thức về nghệ thuật. Người đó cũng không chịu
nhắm mắt theo một triết học rất lưu hành mặc dầu triết học đó có những nhà danh
tiếng làm hậu thuẫn. Không chịu để cho một tác giả nào thuyết phục nếu lòng
không cảm động; nếu tác giả đó lí luận mà mình không cãi được thì là tác giả lí
luận đúng; nhưng tùy mình không cãi được mà vẫn không chịu tín phục thì là
mình có lí mà tác giả đó lầm lẫn. Như vậy là có nhãn thức về tri thức. Đành rằng
muốn được hùng tâm như vậy, cần có một đức tự tín đôi khi hơi ngây thơ, nhưng
nếu ta không dựa vào cái tâm của ta thì dựa vào cái gì bây giờ, vào cái tâm của
người ư? Và khi ta đã chối bỏ cái quyền được phán đoán theo lòng mình thì tất
nhiên ta sẽ nhận tất cả những mê hoặc, phỉnh gạt ở đời.
Khổng Tử hình như đã cảm thấy rằng học mà không suy nghĩ thì hại hơn là suy
nghĩ mà không học, cho nên nói: “Học nhi bất tư tắc võng, tư nhi bất học tắc
đãi”2[2]. Chắc ông đã thấy nhiều đệ tử vào cái hạng đó (hạng chối bỏ cái quyền
phán đoán theo lòng mình) mới phát ra lời răn như vậy, một lời răn rất ích lợi
trong các trường học ngày nay. Ai cũng biết rằng chính sách giáo dục và tổ chức
học đường ngày nay chú trọng vào sự học cho nhiều chứ không chú trọng vào sự
suy nghĩ, biện biệt; coi sự nhớ nhiều tự nó là một mục đích rồi, cơ hồ như hễ nhớ
nhiều là có văn hóa cao. Nhưng tại sao trong trường học người ta lại không trọng
sự suy nghĩ? Tại sao chế độ giáo dục lại đem sự vui vẻ truy cầu học vấn biến thành
một sự nhồi sọ máy móc, có qui củ đơn điệu, bị động như vậy? Tại sao ta lại coi
sự học trọng hơn sự suy nghĩ? Tại sao ta lại coi một cậu tú là có học vấn chỉ vì cậu
đã theo học đủ một số giờ đã qui định nào đó về các môn tâm lí, trung cổ sử, luận
lí và “tôn giáo”? Tại sao lại phân biệt trường này trường khác, đặt ra bằng cấp này
bằng cấp nọ, ...