Cấu trúc điều kiện là một trong những cấu trúc mà ngữ nghĩa và ngữ pháp của nó tỏ ra thích hợp trong việc thực hiện hành vi ngôn ngữ gián tiếp. Trong hội thoại, thông qua ngữ cảnh và tình huống giao tiếp, một phát ngôn điều kiện trần thuật hoặc một phát ngôn điều kiện nghi vấn có thể được chuyển đổi thành một hành vi gián tiếp mà ở đó hành vi “cố hữu” của nó đã bị chuyển đổi sang một hành vi khác.
Nội dung trích xuất từ tài liệu:
Khảo sát hành vi ngôn ngữ gián tiếp trong một số cấu trúc điều kiện tiếng Việt KHẢO SÁT HÀNH VI NGÔN NGỮ GIÁN TIẾP TRONG MỘT SỐ CẤU TRÚC ĐIỀU KIỆN TIẾNG VIỆT1 ___________________________________________________________Lê Thị Minh Hằng Theo Searle, khái niệm hành vi ngôn ngữ gián tiếp được hiểu là một hành động tại lời (illocutionary act) được thực hiện một cách gián tiếp qua việc thực hiện một hành động tại lời khác [7,168]. Hay nói như Nguyễn Thiện Giáp, đó là “hành động ngôn từ được thực hiện ở những phát ngôn có quan hệ gián tiếp giữa một chức năng và một cấu trúc” [5,55], phân biệt với hành động ngôn từ trực tiếp (khi có quan hệ trực tiếp giữa một chức năng và một cấu trúc). Cấu trúc điều kiện là một trong những cấu trúc mà ngữ nghĩa và ngữ pháp của nó tỏ ra thích hợp trong việc thực hiện hành vi ngôn ngữ gián tiếp. Trong hội thoại, thông qua ngữ cảnh và tình huống giao tiếp, một phát ngôn điều kiện trần thuật hoặc một phát ngôn điều kiện nghi vấn có thể được chuyển đổi thành một hành vi gián tiếp mà ở đó hành vi “cố hữu” của nó đã bị chuyển đổi sang một hành vi khác. – Câu điều kiện trần thuật chuyển sang hành vi gián tiếp từ chối: (Đây là câu trả lời của một cô gái trong tình huống bạn trai của một cô gái ngỏ lời mời cô đi chơi). (1) Nếu ba mẹ em biết thì sẽ đánh em chết mất. Qua thông báo trên, cô gái thực hiện hành vi gián tiếp là từ chối lời mời của người yêu. – Câu điều kiện nghi vấn chuyển sang hành vi gián tiếp cảnh báo: (Đây cũng là câu trả lời của một cô gái trong tình huống bạn trai của cô ngỏ lời mời cô đi chơi) (2) Nhỡ ba mẹ em biết thì sao? Câu trên mang dạng thức câu hỏi nhưng hoàn toàn không chờ đợi một câu trả lời ở người nghe; khi phát ngôn câu này, người nói chỉ thực hiện hành vi gián tiếp là cảnh báo một khả năng xấu có thể xảy ra, và từ đó can ngăn người nghe đừng nên rủ cô đi chơi. Mọi phát ngôn luôn tiềm tàng khả năng chuyển đổi hành vi gián tiếp này sang hành vi gián tiếp khác, tùy vào ngữ huống và điều kiện hội thoại nhất định chứ không đóng khung trong một sự tương ứng 1-1 giữa cấu trúc và chức năng, nói theo Nguyễn Thiện Giáp. Vì thế muốn biết một câu cụ thể có những hành vi ngôn ngữ gián tiếp nào và hành vi nào là chính yếu trong câu, nhất thiết phải căn cứ vào ngữ cảnh mà câu xuất hiện, nói cách khác, “tình huống không chỉ là nơi cho lời nói tồn tại và hoạt động, mà còn là yếu tố tác động trở lại lời nói, khiến cho các hàm ý xuất hiện tùy theo những điều kiện của nó” [6,111]. Một tình huống (T) tác động đến nhân vật (A) để (A) phát ra lời nói (X) có hành vi gián tiếp (N), nhưng nếu một tình huống (T’) tác động đến nhân vật (A) để (A) phát ra lời nói (X) thì (X) trong tình huống này có thể sẽ mang hành vi gián tiếp (N’) chứ không phải là (N) nữa. Chẳng hạn: (3) (Tình huống1: A nói, nhưng B không nghe được. Sau đó B bộc lộ) B: Anh nói chầm chậm một chút thì tôi mới nghe được. Bài đã đăng ở tạp san Khoa học xã hội & nhân văn, số 24-2003, Trường Đại học KHXH&NV Tp.HCM. 1 1 (Tình huống 2: A nói, B không nghe được nên ngắt lời A và nói) B: Anh nói chầm chậm một chút thì tôi mới nghe được. Hai nhân vật trong cùng một quan hệ, nhưng rõ ràng chúng mang hai hành vi ngôn ngữ gián tiếp khác nhau. Ở tình huống 1, phát ngôn của B biểu hiện một hành vi gián tiếp trách cứ: Tại A nói nhanh nên B không nghe được. Ở tình huống 2, phát ngôn của B biểu hiện hành vi yêu cầu: Anh làm ơn nói chậm lại một chút. (4) (Tình huống 1: Một người bị ai đó làm hư xe. Bạn anh ta nói) Nếu như người khác thì người ta bắt đền rồi. (Tình huống 2: Một người làm hư xe ai đó. Bạn anh ta cũng nói) Nếu như người khác thì người ta bắt đền rồi. Ở tình huống 1, phát ngôn của người bạn thực hiện một hành vi gián tiếp khuyên anh ta nên yêu cầu bồi thường, vì trong những trường hợp tương tự người ta thường làm như thế. Ở tình huống 2, phát ngôn của người bạn thực hiện một hành vi gián tiếp đánh giá tầm mức của sự việc và cũng gián tiếp cho rằng anh ta may mắn lắm nên không bị bắt đền, vì trong những trường hợp tương tự người ta đều yêu cầu bồi thường. Trong phần sau, chúng tôi sơ bộ trình bày một số hành vi ngôn ngữ gián tiếp được thực hiện qua một số cấu trúc điều kiện thường thấy trong tiếng Việt. Vì vấn đề rất rộng và phức tạp, chúng tôi chỉ đề cập những cấu trúc điều kiện ở dạng trần thuật được người nói sử dụng như những biểu thức có sức tái hiện cao. Danh sách này chắc chắn chưa đầy đủ nhưng cũng phản ánh phần nào các đặc điểm dụng học của cấu trúc này. 1. Hành vi ngôn ngữ gián tiếp của cấu trúc GIÁ/GIÁ MÀ 1.1. Hành vi gián tiếp yêu cầu, đề nghị Trong một phát ngôn có chứa GIÁ, GIÁ MÀ, PHẢI CHI thường biểu thị một mong muốn, một ước mơ của người nói. Ví dụ: (5) Giá có ai giúp mình một tay thì đỡ biết mấy! Người nói cho rằng mình sẽ “đỡ biết mấy” trong trường hợp “có ai giúp mình một tay”, mà trường hợp này rõ ràng là không có thực mà chỉ là mơ ước của người nói, vì có GIÁ đánh dấu. Nhưng trong những tình huống nhất định, phát ngôn trên có thể tạo ra một hiệu lực tại lời gián ti ...