Khi những vật liệu hiện đại như xi măng chưa xuất hiện thì ông cha ta đã sử dụng một thứ vữa được chế bằng phương pháp thủ công, nguyên liệu mang đặc thù của địa phương. Ví như ốc vặn đốt thành than luyện với vỏ cây dè rớt, hoặc dùng mật luyện kỹ với vôi vỏ sò. Vùng Nghệ An dùng vỏ hến rây kỹ, trộn cát, thâm mật xấu, giấy bản ngâm ướt hay rơm nếp và trộn với nhựa lá cây bớt lời. Mật, đường lấy từ mía, người ta đã làm một chất dẻo để...
Nội dung trích xuất từ tài liệu:
Vật liệu trong kiến trúc cổ Việt Nam
VẬT LIỆU TRONG KIẾN TRÚC CỔ VIỆT NAM
Khi những vật liệu hiện đại như xi măng chưa xuất hiện thì ông cha ta đã sử
dụng một thứ vữa được chế bằng phương pháp thủ công, nguyên liệu mang đặc thù
của địa phương. Ví như ốc vặn đốt thành than luyện với vỏ cây dè rớt, hoặc dùng mật
luyện kỹ với vôi vỏ sò. Vùng Nghệ An dùng vỏ hến rây kỹ, trộn cát, thâm mật xấu,
giấy bản ngâm ướt hay rơm nếp và trộn với nhựa lá cây bớt lời. Mật, đường lấy từ mía,
người ta đã làm một chất dẻo để nặn phù điêu rồng phượng, hoa đá trang trí những cột
trụ hay hình lưỡng long chầu nguyệt ở chùa. Chất dẻo này cũng để nặn những hình
khối mềm mại, đổ khuôn sản xuất hàng loạt chi tiết trang trí, khi khô rất rắn, có thể
chịu nắng, mưa. Có nơi lấy cơm nếp trộn với gạch non tán nhỏ rây kỹ cùng với lá
khoai luyện thành một thứ vữa gọi là “sơn man”, thường dùng để gắn áo quan, cũng có
địa phương quen dùng cơm nếp nát nấu với nhựa thông. Ngoài ra, cát, đất sét và chất
kết dính cũng là những vật liệu được sử dụng thường xuyên trong việc xử lý nền và kết
nối gạch, đá.
Kiến trúc hang động, mái đá là những ngôi nhà đầu tiên của loài người. Tiếp
đó, việc sống trong nhà hay lều rồi lập thành làng là hiện tượng gắn với lối sống định
cư trên cơ sở sản xuất nông nghiệp hay bán nông nghiệp. Sách Lĩnh Nam chích quái
viết: Đất nhiều gạo nếp, lấy ống tre để nấu cơm (cơm lam), gác gỗ làm nhà (nhà sàn)
để tránh khỏi hổ lang làm hại... Từ khi con người thoát ra khỏi đời sống bầy đàn hang
động thì loại hình nhà sàn tỏ ra hợp lý và thông dụng với cư dân sống ở những nơi có
địa hình dốc. Những nghiên cứu sau này đã chứng minh loại hình kiến trúc đình còn
giữ lại nhiều nét kiến trúc xa xôi, mà vật liệu kiến trúc là một nét đáng chú ý.
Việc sử dụng vật liệu gỗ được coi là bước đột phá của kỹ thuật xây dựng, do
tính năng mềm, bền chắc của nó, đồng thời cũng là vật liệu dễ tìm tại di chỉ Đông Sơn,
đã phát hiện thành phần gỗ của kiến trúc nhà ở, gồm những cột nhà, rui tre, những
thanh gỗ đẽo vạc thô sơ, nhiều cột gỗ dựng đứng trên nền đất có tỉ lệ khác nhau (được
phỏng đoán như chân của cột nhà sàn phối hợp trong một vì nhà). Kỹ thuật liên kết
chủ yếu là lạt buộc, con sỏ, mộng xuyên lỗ, mộng ngoãm, gồm ngoãm tự nhiên (chạc
cây) và ngoãm nhân tạo (vết cản ở thân cột để thắt thêm một đoạn gỗ). Ở dấu tích ngôi
nhà sàn có bộ khung bằng gỗ, lợp ngói có niên đại khoảng những thế kỷ đầu, vật liệu
xây dựng được tìm thấy gồm nhiều mảnh ngói và mảnh đồ đựng bằng sành lẫn trong
đất san nền và chiếc then cửa. Ngói có 2 loại: ngói ống và ngói vũm lòng máng tại xã
Mộc Bắc, Duy Tiên, Hà Nam (3). Như vậy, gỗ là thành phần cơ bản trong kiến trúc
nhà ở. Gỗ được chia thành nhiều loại: xoan, đinh, lim, sến, táu... có độ bền, chống mối
mọt, mục nát của thiên nhiên nhiệt đới. Vì kèo chồng rường phù hợp với loại gỗ xoan;
gỗ lim, táu hợp với các cột cái, cột quân, cột hiên và bẩy đỡ vì tính năng to chắc và
tính chịu lực của nó. Rui mè sử dụng loại gỗ mỏng hơn, thậm chí dùng tre, nứa (đã
được ngâm tẩm). Họ nhà tre dùng làm đòn tay, rui mè, chọn những thanh đều dóng (có
sức bền đồng thời có ý nghĩa mỹ quan). Trong kết cấu bộ khung nhà, bương vầu làm
cột nhà vì thân to dày, đốt ngắn chịu sức nén khoẻ; tre đằng ngà làm đòn tay vì thân
đặc, dẻo dai chịu sức kéo tốt; mai thẳng và dày dùng làm sàn nhà; nứa mỏng hơn đập
dập để lợp mái nhà.
Ở vùng núi, người dân sử dụng chủ yếu là tre, vừa làm khung nhà, vừa làm
phên giậu che chắn. Tận dụng các thành phần của cây tre để làm nhà còn là một nghệ
thuật trong kỹ thuật lắp dựng và chống mối mọt. Ngoài việc ngâm tre trong nước
khoảng một năm, người dân còn hun khói cho bền, chống mối. Ở vùng đồng bằng, gỗ
được sử dụng phổ biến trong các kết cấu chính của công trình.
Các công trình kiến trúc cổ đều làm bằng gỗ lim có thể chịu đựng khí hậu nhiệt
đới qua nhiều thế kỷ. Loại cột có đường kính to nhất 70 - 80cm được coi là tiêu chuẩn
chung của cột đình làng. Sử dụng gỗ trong kiến trúc liên quan đến “lối kéo cột” quen
thuộc của từng vùng. Trung Bộ có lối nhà rội, nhà rường; Bắc Bộ có lối nhà chồng
rường trên 3 hay 4 hàng cột. Những xà nhà lớn chồng lên nhau, có những “trụ non”
hay “đất rường” ken vào kẻ tận cùng bằng “con cung” ở gần góc mái và thay thế vì
kèo tam giác là một lối vì kèo không quen biết trong kiến trúc cổ truyền của người
Việt. Kỹ thuật tinh xảo đã tạo nên những mộng vững chắc ở đầu cột, nhất là ở chỗ nối
với câu đầu, kẻ ngồi và xà thượng. Vì kèo nọ giằng với vì kèo kia bằng một hệ thống
xà (xà thượng, xà tứ); gần mặt tảng, các “địa thu” nối liền chân cột nọ với chân cột kia,
tất cả tạo nên một bộ khung bằng gỗ tháo lắp dễ dàng và không biết đến một cái đanh
nào bằng sắt”(4). Trong kiến trúc Việt cổ truyền, khung nhà hoàn toàn bằng gỗ thì
tường ngăn cũng làm bằng những ván “liệt bản” nối liền nhau bằng những “đố búp
măng” hay những đố gỗ lớn chạm trổ công phu.
Đồ đất nung gồm những vật liệu làm từ đất, được chế biến và tạo thành phẩm
khi qua lửa, có độ bền lớn và khả năng tồn tại lâu dài, được phân chia thành 2 loại
chính: gạch xây tường (gồm cả gạch lát nền): gạch hoa, gạch trổ thủng, gạch chạm nổi;
và ngói: ngói bản, ngói âm dương, ngói mũi hài/ vảy cá/ vảy rồng... Quá trình phát
triển và kỹ thuật chế tác sản phẩm làm từ đất nung ngày càng cao thì kỹ thuật xây
dựng của người Việt càng tiến tới hoàn thiện. Đồ đất nung đã trở thành một phần quan
trọng trong kiến trúc Việt Nam. Các loại gạch có hình dáng khác nhau thì có những
chức năng khác nhau. Gạch hình chữ nhật, được tìm thấy nhiều nhất và thường xây
tường nhà, lát nền (vách mộ tại các ngôi mộ cổ). Kích thước của chúng thay đổi qua
thời kỳ: thế kỷ I - VI có 3 cỡ: 50x25x6cm, 45x21x8cm, 28x13x7cm; thế kỷ VII - IX,
kích thước gạch nhỏ hơn: 25x13x3cm; thế kỷ X: 30x16x4cm; thế kỷ XII - XIII:
38x19,5x6cm; thế kỷ XV-XVI loại gạch vồ màu đỏ hoặc xám: 43x25x10cm;
43x28x22,5cm; 38x17x11cm ...