Bài viết này chia sẻ về sự cần thiết phải xây dựng một cơ sở dữ liệu chung cho toàn ngành Bảo hiểm và định hướng xây dựng cơ sở dữ liệu này trong thời gian tới nhằm phát triển đồng bộ thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Nội dung trích xuất từ tài liệu:
Xây dựng cơ sở dữ liệu về kinh doanh bảo hiểm: Giải pháp phát triển ngành bảo hiểm tại Việt Nam
XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU VỀ KINH DOANH BẢO HIỂM:
GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NGÀNH BẢO HIỂM TẠI VIỆT NAM
TS. Nguyễn Thanh Nga
Viện trưởng, Viện Phát triển bảo hiểm Việt Nam
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính
Tóm tắt
Thị trường bảo hiểm Việt Nam đã trải qua gần 30 năm hình thành và phát triển với tốc
độ tăng trưởng nhanh, đóng góp đáng kể vào việc giảm thiểu các rủi ro trong sản xuất, kinh
doanh và đời sống xã hội; cải thiện môi trường đầu tư; giảm bớt gánh nặng cho ngân sách
nhà nước; thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội... Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 tác
động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế nhưng thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn
giữ mức độ tăng trưởng ổn định. Năm 2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 214.958 tỷ
đồng, tăng 15,59%; chi trả quyền lợi bảo hiểm đạt 49.561 tỷ đồng, tăng 1,68% so với cùng
kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển và tăng trưởng, thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn
đang phải đối mặt với những vấn đề bất cập như: trục lợi, gian lận bảo hiểm, sự cạnh tranh
không công bằng về phí bảo hiểm giữa các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH), khó khăn trong
công tác quản lý thông tin, dữ liệu kinh doanh bảo hiểm… Một trong những nguyên nhân
dẫn đến những bất cập đó là việc thị trường đang thiếu cơ sở dữ liệu chung cho toàn ngành.
Trong bài viết này, tác giả muốn chia sẻ về sự cần thiết phải xây dựng một cơ sở dữ liệu
chung cho toàn ngành Bảo hiểm và định hướng xây dựng cơ sở dữ liệu này trong thời gian
tới nhằm phát triển đồng bộ thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Từ khóa: Bảo hiểm, cơ sở dữ liệu
1. Khái quát về xây dựng cơ sở dữ liệu kinh doanh bảo hiểm ở một số quốc gia
trên thế giới
Hiện nay, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã xây dựng cơ sở dữ liệu bảo hiểm bắt buộc
trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới và cơ sở dữ liệu về bồi thường bảo hiểm xe tự nguyện.
Tuy nhiên, một thực tế đang diễn ra đó là các DNBH chưa thực sự tự nguyện chia sẻ thông
tin nên việc thống kê không được đầy đủ và chính xác, dẫn đến các thông tin chiết xuất từ hệ
thống không mang lại hiệu quả quản lý như kỳ vọng. Hệ thống AVICAD (hệ thống phần
mềm quản lý đại lý bảo hiểm) cũng chỉ có dữ liệu đại lý của DNBH nhân thọ. Ngay tại cơ
quan quản lý (Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm) cũng chưa có hệ thống dữ liệu chung toàn ngành.
Hiện nay, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đang triển khai Đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu
13
quản lý, giám sát”. Tại các DNBH, hệ thống công nghệ thông tin đều đã được xây dựng
nhằm phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp, nhưng trên bình diện chung toàn thị trường,
mỗi DNBH đang sử dụng một hệ thống công nghệ thông tin khác nhau, không có sự liên
thông dữ liệu chung, tình trạng phân tán dữ liệu, gây khó khăn cho công tác quản lý, chia sẻ
dữ liệu, chia sẻ thông tin… trong toàn ngành dẫn đến tình trạng trục lợi bảo hiểm đã xảy ra.
Trên thực tế, các ngành nói chung và cụ thể như ngân hàng, chứng khoán đều xây
dựng cơ sở dữ liệu chung phục vụ cho hoạt động của ngành, đối với hoạt động kinh doanh
bảo hiểm, việc xây dựng cơ sở dữ liệu về kinh doanh bảo hiểm của các nước trên thế giới
cũng đã được triển khai thực hiện song hành cùng sự phát triển của thị trường bảo hiểm
các nước. Luật pháp tại một số quốc gia cũng quy định rõ về trách nhiệm cung cấp dữ liệu
về bảo hiểm của các đối tượng kinh doanh trên thị trường bảo hiểm nhằm tạo cơ sở cho
công tác xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành Bảo hiểm. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu, đề
xuất mức phí sàn, thống nhất phương pháp định phí bảo hiểm và phương pháp trích lập dự
phòng thường do các hiệp hội ngành nghề lĩnh vực bảo hiểm thực hiện (Ủy ban Bảo hiểm
NAIC - Hoa Kỳ; JAIL - Nhật Bản...). Tuy nhiên, tại một số quốc gia (điển hình là Hàn
Quốc), các viện về bảo hiểm có nguồn gốc từ cơ quan Chính phủ là đơn vị chuyên biệt để
xây dựng cơ sở dữ liệu.
1.1. Hàn Quốc
Hàn Quốc là quốc gia mà pháp luật có quy định cụ thể ngay tại cấp độ Luật về bảo
hiểm đối với hoạt động định phí, cung cấp dữ liệu cho các cơ quan định phí và cơ quan quản
lý, giám sát bảo hiểm. Luật Kinh doanh bảo hiểm Hàn Quốc quy định cụ thể về hoạt động và
quyền hạn của tổ chức tính toán tỷ lệ phí bảo hiểm trực tiếp liên quan đến công tác thu thập
dữ liệu và định phí bảo hiểm. Nghị định thi hành Luật Bảo hiểm của Hàn Quốc cũng quy
định chi tiết việc tính toán và xác minh mức phí bảo hiểm ròng tham chiếu cho thị trường,
quy định việc thu thập, cung cấp và quản lý các dữ liệu về tai nạn giao thông, bệnh tật. Trên
cơ sở quy định của pháp luật, hệ thống cơ sở dữ liệu bảo hiểm của Hàn Quốc hiện được triển
khai tại Viện Phát triển bảo hiểm Hàn Quốc (KIDI) như sau:
Viện Phát triển bảo hiểm Hàn Quốc (KIDI) được thành lập vào năm 1983 với mục
đích thu thập và sử dụng dữ liệu bảo hiểm tài sản và thiệt hại (P&C). Ban đầu, KIDI thu thập
dữ liệu của các dòng sản phẩm chính như: bảo hiểm ô tô (bao gồm cả bảo hiểm trách nhiệm
dân sự bắt buộc); bảo hiểm hỏa hoạn và bảo hiểm hàng hải. Mục đích chính của việc thu thập
dữ liệu từ các DNBH là để hình thành một cơ sở dữ liệu, từ đó ngành công nghiệp bảo hiểm
có thể áp dụng Luật số lớn để tính toán.
Trong những năm đầu tiên, số liệu thống kê chỉ được thu thập bằng các biểu mẫu đơn
giản, giới hạn với một số sản phẩm bảo hiểm như đã đề cập ở trên. Sau đó, khi lượng dữ liệu
tăng lên, KIDI đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ để có thể thu thập dữ liệu theo từng trường hợp.
Số lượng các dòng sản phẩm bảo hiểm được thu thập cũng được mở rộng, bao gồm: bảo hiểm
14
bồi thường người lao động, bảo hiểm kỹ thuật, bảo hiểm ...