Thông tin tài liệu:
Năm 1973... giữa khi chiến cuộc tơi bời. Hà Nội ngập chìm trong đống đổ nát, từ đơn vị trở về trong đợt nghỉ phép, tôi được một vé mời nghe ca nhạc thính phòng ở Nhà hát Lớn... giữa bối cảnh đó, thật như một sự xa xỉ! Nhưng đêm đó, quả là một dạ tiệc đối với tôi, tôi được hưởng một ly rượu sóng sánh, óng ánh màu hổ phách trong suốt trong cốc pha lê mà khi nó khẽ va vào nhau tạo ra một âm thanh tinh tế sang trọng khôn tả... Đó là...
Nội dung trích xuất từ tài liệu:
CÓ MỘT TRẦN HAY NHƯ THẾ
CÓ MỘT TRẦN HAY NHƯ
THẾ
Năm 1973... giữa khi chiến cuộc tơi bời. Hà Nội ngập chìm trong đống
đổ nát, từ đơn vị trở về trong đợt nghỉ phép, tôi được một vé mời nghe
ca nhạc thính phòng ở Nhà hát Lớn... giữa bối cảnh đó, thật như một sự
xa xỉ! Nhưng đêm đó, quả là một dạ tiệc đối với tôi, tôi được hưởng
một ly rượu sóng sánh, óng ánh màu hổ phách trong suốt trong cốc pha
lê mà khi nó khẽ va vào nhau tạo ra một âm thanh tinh tế sang trọng
khôn tả... Đó là hội họa của Trần Hay!
Họ Trần, nguyên khởi ở thành Nam, trải qua các biến cố lịch sử thăng
trầm đã trôi dạt một nhánh lên Lạng Sơn, ở đó có những thổ dân của
các dân tộc ít người và cái rét tê tái vùng biên ải cùng cảnh vật thiên
nhiên trù phú... Tất cả những cái đó đã góp phần hình thành nên một
hội họa độc nhất vô nhị của Trần Hay. Năm 1969, đánh dấu một cái
mốc quan trọng trong hình thành nghệ thuật của ông, du học tại trường
Stroganop (M.T.C.N Nga). Chính nơi đây, các giáo sư Nga đã trao cho
ông kiến thức cơ bản về tạo hình hiện đại, cộng với sự khổ luyện nơi
bản thân và hình thành ra hội họa của ông và cũng chính những năm
tháng này, ông đã tu luyện thuần thục hai chất liệu sở trường: Sơn dầu
và phấn màu, nhào nặn, biến hóa chúng dưới bàn tay của mình thành
một đặc sản: Trần Hay!
Tranh Trần Hay, xem kỹ ta thấy toát lên hai điểm này. Đồ họa hóa và
đơn giản hóa... Thật vậy! Dù không muốn nhắc đến tên riêng một bức
cụ thể nào, nhưng dấu ấn của những cú đặt nhát dao vẽ đắc địa, những
tĩnh vật đơn giản tưởng như không thể đơn giản hơn, nhưng phối màu
cực kỳ ngắn gọn đã được tính toán cân nhắc kỹ càng trước khi hạ bút...
Trong nhịp thở buông xuôi như vừa vận khí trên nền vải toan cố tình để
lại, một màu... bao tải còn sần lên thớ ganh thô mộc nặng tựa ngàn cân!
Tĩnh vật của ông làm ta nhớ đến một bài thơ Đường, một sớm mai tĩnh
lặng tiết thanh minh hoặc một đêm trăng bên mành trúc và nó lại gợi
cho ta nhớ cả các dòng tranh Thánh mà người Âu đưa lại trong cuộc
xâm thực bản địa xa xưa. Ông cũng không giấu ý đồ khi tôi nói về sự
“Đồ họa hóa” nơi nghệ thuật ông... Phải chăng chính hai đặc điểm đó
đã tạo ra một Trần Hay ngày nay? phải chăng, sự thanh tao, tinh khiết,
trang nhã, vẻ chau truốt, óng ánh đã làm ông nảy ra giữa bao nhiêu vẩn
đục đời thường?
Văn là Người, vẽ cũng là Người... hội họa của ông đã nói lên tất cả. Tôi
nghĩ thế, giữa phòng tranh của ông, mùa hè năm 2010 này.
Lê Trí Dũng
TRẦN HAY-Buồng chuối-sơn dầu