Tìm hiểu mỹ thuật đương đại sẽ chỉ thực sự có ý nghĩa nếu không bỏ quên phần phê bình nghệ thuật đã từng có trước đây. Rất nhiều điều đã được nói tới, được phân tích trong lịch sử – miễn là người ta thực sự muốn tìm lại. Mục Trường phái và Vấn đề của SOI sẽ đăng lại một số bài viết trước đây của giới họa sĩ và phê bình mỹ thuật Việt Nam, mở đầu là loạt bài của họa sĩ Tô Ngọc Vân đăng trên tạp chí Thanh Nghị trước 1945. Tranh cổ...
Nội dung trích xuất từ tài liệu:
Loạt bài của Tô Ngọc Vân trên tạp chí Thanh Nghị
Loạt bài của Tô Ngọc Vân trên
tạp chí Thanh Nghị (1)
Tìm hiểu mỹ thuật đương đại sẽ chỉ thực sự có ý nghĩa nếu không bỏ
quên phần phê bình nghệ thuật đã từng có trước đây. Rất nhiều điều đã
được nói tới, được phân tích trong lịch sử – miễn là người ta thực sự
muốn tìm lại. Mục Trường phái và Vấn đề của SOI sẽ đăng lại một số
bài viết trước đây của giới họa sĩ và phê bình mỹ thuật Việt Nam, mở
đầu là loạt bài của họa sĩ Tô Ngọc Vân đăng trên tạp chí Thanh Nghị
trước 1945.
Tranh cổ Việt Nam, tranh Tết
Ngày xưa nước ta có hội-họa không? Những tranh bảo là của các cụ để
lại, chúng ta ít được xem quá. Một vài nhà còn giữ một vài bức truyền-
thần, một vài tấm tranh hoa điểu, hay sơn thủy. Trừ những bức truyền
thần rất hiếm, đại để những tranh đó tả phong cảnh Tầu, nhân vật Tầu,
không một giấu vết gì giang sơn nước Nam cả, chứ đừng nói đến tính
cách đặc biệt Việt-Nam nữa. Một sản phẩm giá trị ấy chỉ đủ cho ta tin
là đã phỏng theo những họa phẩm mỹ-thuật Tầu. Phỏng theo một cách
nô lệ chứ không phải là chịu ảnh hưởng. Ảnh hưởng văn hóa Tầu sang
ta ở Mỹ-Thuật Việt-Nam cổ, đã giúp sự sáng tạo một Kiến Trúc đặc
biệt Việt-Nam, hùng vĩ mà không nặng nề. Khi trông những tòa Kiến-
Trúc như chùa Keo hay đình làng Đình-Bảng, người theo hội họa ngày
nay không khỏi tiếc, buồn. Nếu các cụ khi xưa để ý đến hội-họa! Làm
gì chả dành lại cho họ một gia sản họa phẩm quý giá, làm gì ngày nay,
họ, người Việt-nam, phải băn khoăn đi tìm một văn bản Việt-nam trong
mỹ-thuật!
Sự lãnh đạm của các cụ với hội họa, chúng ta có nên đổ lỗi cho óc
chuộng khoa cử khi xưa, khinh miệt những cái gì không liền với khoa
cử? Thực thì cái người trước kia kêu “thợ vẽ” mới độ mươi năm nay
được người ta gọi là “họa sĩ”. Thợ vẽ ngày xưa, nếu có, đã làm một
nghề mà các cụ coi chẳng vinh hạnh gì. Vì tư tưởng ấy, hội họa Việt-
nam không có một nền nếp nào, một căn bản nào chắc chắn. Và cũng vì
tư tưởng ấy, khoa lịch sử Việt-nam thiếu mất những vật liệu, những
chứng cớ hiển nhiên diễn tả bằng sắc với hình. Ai đã chú ý đến gian
phòng Triển lãm của trường Bác Cổ Viễn Đông trong kỳ hội chợ vừa
rồi, trưng bầy những di tích lịch sử thành thị nhân vật Việt-nam thuộc
về Cận đại đều phải thừa nhận rằng hầu hết tài liệu về tranh dựa theo
những bức họa của người ngoại quốc về thời ấy. Những bức họa đầu
Ngô mình Sở nhiều khi đến buồn cười! Nhưng không dùng những tranh
ấy thì lấy tranh gì, ở đâu? Ít ra nó cũng có ích lợi cho ta hội ý một phần
mười về sự thực, nếu không hơn thế.
Đem tính sổ tất cả cái gia-tài về cách diễn tả bằng sắc với hình mà các
cụ để lại, chúng ta thấy mỏng mảnh quá, nghèo quá! Đáng kể họa
chăng chỉ còn tranh thờ vẽ Quan Lớn, Chầu Bà, Ngũ Hổ, đáng kể vì đã
hình dung những vị Thánh Thần bằng người Annam y-phục Annam; và
hơn thế một chút, những tranh in nhiều bản gọi là Tranh Tết mà ta thấy
bán ở nhà quê kẻ chợ về ngày gần Tết.
Tranh Tết gồm có những tranh để dán cửa như tranh ông Tướng, tranh
hai ông Tiến Tài, Tiến Lộc; và những tranh để dán lên tường. Loại này
có thể phân ra:
A) Tranh súc vật như “con gà”, “con lợn”, cóc giậy học”, “cưới
chuột”…
B) Tranh gương luân lý như “Vua Thuấn cầy voi cảm động đến Trời”,
cùng tranh các ông Tăng Tử, Diễm Tử, Vương-Tường đi kiếm củi, lấy
sữa hươu, úp cá để về nuôi mẹ…
C) Tranh phong tục như “Họp chợ”, “Làm ruộng”, “Đánh sóc đĩa”, “Tổ
tôm ngày tết”, “Leo dừa”, “Đánh ghen”, v.v…
Tổ tôm ngày Tết (tranh Đông Hồ); Thời bình mở hội Xuân/ Nô nức
quyết xa gần/ Nhạc dâng ca trong điện/ Trò thưởng vật ngoài sân.
Toàn thể tranh in đều một lối, khắc vào bản gỗ, nét mực và các mầu,
dập lên giấy nền đỏ hay vàng. Mấy năm gần đây, giấy nhật trình trắng
là thứ nền thông dụng, và nhiều khi cho mau việc, người ta chỉ in một
bản nét mực họa hình, còn mầu sắc đều bôi bằng tay cho chóng.
Ai đầu tiên đã nghĩ sinh ra tranh Tết? Ai đầu tiên đã vẽ tranh Tết và tự
bao giờ? Chúng tôi không biết. Song một điều chúng tôi chắc chắn mà
phỏng đoán là những tác phẩm ấy do những người không phải tay nghề
“họa sĩ trong một phút” cao hứng mà phác ra. Tất cả những nhân vật
đều hình dung một cách ngây thơ, thô mộc, không có óc nhận xét, tuy
nhiều khi giáng giấp cũng linh hoạt. Phần lớn thì mặt người nào cũng
giống người nào, trẻ con, đàn bà hay đàn ông; và tờ tranh nào cũng có
ngần ấy mầu dùng nguyên chất không bao giờ đổi. Ở những tranh loại
luân lý và phong tục thường kèm những giòng chữ nôm dẫn giải ngụ ý
của tác giả. Ví dụ trong tranh “ngày xuân đánh tổ tôm” họa sĩ đề mấy
câu nói: được bài hay thua đều có vận đỏ đen, cao tay cũng chẳng ăn
gì; trong tranh “Đánh ghen” có những lời: thôi thôi bớt giận làm lành,
xấu chàng hổ ai…
Đánh ghen (tranh Đông Hồ)
Xuy đó ta nhận thấy rằng, trong tranh Tết, nghệ thuật không có phần
mấy. Dụng tâm tác giả là ý tứ phô bầy, ở cái óc tinh nghịch, hóm hỉnh,
châm biếm, diễu cợt đến thô một cách suồng sã. Song cũng nhờ thế mà
ở tranh Tết cái ngây thơ lắm khi dễ yêu, sự vụng về thường thường cảm
động, và một ánh ...