Gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin: Vợ, mẹ chúng tôi là họa sỹ Nguyễn Bạch Đàn, sinh năm 1970, công tác tại báo Nhi Đồng, sau một thời gian lâm bệnh hiểm nghèo, mặc dù đã được các y, bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng do bệnh nặng đã từ trần hồi 21h30 ngày 11. 3. 2012 (tức ngày 19. 2 năm Nhâm Thìn) tại Bệnh viện Việt Đức. Lễ viếng bắt đầu từ 10h-11h15 sáng thứ 5, ngày 15. 3. 2012 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh...
Nội dung trích xuất từ tài liệu:
Ngửa mặt nhìn vòm cây, nhớ họa sỹ Nguyễn Bạch Đàn…
Ngửa mặt nhìn vòm cây, nhớ họa sỹ Nguyễn Bạch Đàn…
.
TIN BUỒN
Gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin:
Vợ, mẹ chúng tôi là họa sỹ Nguyễn Bạch Đàn, sinh năm 1970, công tác
tại báo Nhi Đồng, sau một thời gian lâm bệnh hiểm nghèo, mặc dù đã
được các y, bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng do bệnh nặng đã từ trần
hồi 21h30 ngày 11. 3. 2012 (tức ngày 19. 2 năm Nhâm Thìn) tại Bệnh
viện Việt Đức.
Lễ viếng bắt đầu từ 10h-11h15 sáng thứ 5, ngày 15. 3. 2012 tại Nhà
tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 11h30 cùng ngày.
An táng tại Đài Hóa thân Hoàn Vũ.
Thay mặt gia đình
Chồng: Dương Minh Châu
Trưởng nam: Dương Minh Tuấn
*
Họa sĩ Nguyễn Bạch Đàn trong một triển lãm
Ngửa mặt nhìn vòm cây, nhớ họa sỹ Nguyễn Bạch Đàn…
Họa sỹ Nguyễn Bạch Đàn là con gái út của thầy giáo dạy Lịch sử Mỹ
thuật của trường Yết Kiêu – thầy Nguyễn Trân. Khi Bạch Đàn vào học
lớp luyện thi trường Mỹ thuật, bọn chúng tôi đang là sinh viên năm
cuối. Lũ trò đồn nhau: con gái thầy đẹp lắm, rồi rủ nhau lân la đến lớp
luyện thi bày trò sửa bài giúp để làm quen. Quả thực, cho đến tận bây
giờ, những ấn tượng còn lại của Bạch Đàn là đôi mắt trong sáng thơ
ngây, chân thật.
Họa sỹ Bạch Đàn trong triển lãm ở Mỹ. (Ảnh do Nora Taylor chụp.)
Rồi cuộc sống cứ thế trôi đi. Những tưởng như bao nữ họa sỹ khác sớm
dẹp sự nghiệp sang một bên để lo cho chồng con, Bạch Đàn đã trở lại
với những bức tranh mực tàu vẽ trên giấy xuyến chỉ: những khu vườn,
vòm tán lá lấp lánh ánh nắng trưa, trong đó có cả âm thanh rì rào của
gió. Với những bức tranh này, Bạch Đàn đã mang lại một ngạc nhiên
lớn. Người ta chợt hiểu ra rằng: đôi mắt trong sáng thơ ngây thủa nào
nay đã truyền tất cả vào những bức tranh, đưa người xem trở về với kí
ức của tuổi thơ khi ngửa mặt lên trời tìm kiếm tiếng thì thào qua những
vòm lá, dúi mắt vào từng bờ ao, ngắm từng ngọn cỏ, nhành cây trong
khu vườn bí mật.
Nơi yên tĩnh
Sinh năm 1970, học đại học Mỹ thuật năm 1987, liên tục cho ra mắt các
tác phẩm trong các triển lãm từ năm 1999 đến năm 2007, Bạch Đàn đã
tìm được lối đi riêng qua những tác phẩm phần lớn là dùng mực tàu
trên giấy dó hay giấy xuyến chỉ – một chất liệu rất truyền thống của hội
họa Trung Hoa, rất hay bẫy những ai dễ bị ám ảnh bởi sự áp đặt của
một truyền thống lớn. Nhưng với Bạch Đàn, hình như họa sỹ không
quan tâm lắm đến điều đó. Không thấy một chút cố gắng, một chút lên
gân hay khoe diễn khi sử dụng chất liệu này; đơn giản, giấy xuyến chỉ
là thứ mà dường như vô tình rơi vào tay: nó đủ sự kiệm lời và cũng đủ
sự bí mật để cô sống trong đó. Bạch Đàn đã thành công khi dùng cả hai
truyền thống Đông và Tây để tâm tình. Có lẽ, đối với Bạch Đàn,thuộc
Đông hay Tây chả quan trọng, cuối cùng là cái cách để nhìn và thiên
nhiên qua mắt của Đàn là thuần khiết, đầy ánh sáng; nó cũng như ánh
mắt của cô mà bạn bè cô đều đã từng cảm nhận.
Lối mòn trong rừng
Bạch Đàn ra đi sớm, quá sớm với một tài năng vừa độ chín. Chồng,
con, những người thân và bạn bè của cô sẽ nhớ cô nhiều lắm. Trong nỗi
niềm tiếc nhớ, họ nhắc tới nhiều hơn đến ý chí của Bạch Đàn khi biết
mình bị bệnh nặng. Một năm chống chọi với ung thư não nhưng không
hề sợ hãi, bình tĩnh đón nhận và an ủi ngược lại bạn bè khi họ đến
thăm. Cho đến phút cuối của cuộc đời, Bạch Đàn vẫn tiếp tục truyền
đến người thân, bạn bè cảm hứng về một tương lai tươi sáng; rất nhiều
người bạn của Bạch Đàn đã luôn nhắc đến điều này với một sự kính
phục. Ngoài những bức tranh đẹp để lại, cách nhìn cuộc đời lạc quan và
cách thể hiện đấu tranh kiên cường với bệnh tật cũng là một thông điệp
mà Bạch Đàn muốn gửi tới mọi người. Mong cho Bạch Đàn được nhẹ
bước trong chuyến viễn du. Mọi người luôn nhắc và nhớ đến Đàn với
một niềm tự hào và ấm áp.
Một số tác phẩm của Bạch Đàn:
Rừng tuyết
Khe suối
Hồ
Rừng bạch đàn
Đầm lầy
Bãi lau
...