Hồi ấy ở Hà Giang, với những họa sĩ tỉnh lẻ như chúng tôi, được các họa sĩ từ Hà Nội lên thăm hoặc đi sáng tác cũng là một vinh dự lắm. Họa sĩ Mai Văn Hiến lên Hà Giang năm 1974, xe Com-man-ca của Hội đỗ xịch trước cửa phòng văn nghệ, tôi thấy một “ông tây” cao lớn tươi cười bước ra và hỏi giọng lơ lớ: “Kin lẩu á?” (uống rượu nhé), tôi còn ngơ ngác thì hai họa sĩ Đình Vượng, Quốc Cứu đã reo lên: A, bác Mai Văn Hiến! té ra ông đã...
Nội dung trích xuất từ tài liệu:
NHỚ HOẠ SĨ MAI VĂN HIẾN
NHỚ HOẠ SĨ MAI VĂN HIẾN
Hồi ấy ở Hà Giang, với những họa sĩ tỉnh lẻ như chúng tôi, được các
họa sĩ từ Hà Nội lên thăm hoặc đi sáng tác cũng là một vinh dự lắm.
Họa sĩ Mai Văn Hiến lên Hà Giang năm 1974, xe Com-man-ca của Hội
đỗ xịch trước cửa phòng văn nghệ, tôi thấy một “ông tây” cao lớn tươi
cười bước ra và hỏi giọng lơ lớ: “Kin lẩu á?” (uống rượu nhé), tôi còn
ngơ ngác thì hai họa sĩ Đình Vượng, Quốc Cứu đã reo lên: A, bác Mai
Văn Hiến! té ra ông đã biết tranh chúng tôi qua triển lãm tranh Hà
Giang lần thứ I tại Hà Nội (9/1972). Rất thân mật, chân tình ông không
thăm các quan chức trong Ty Văn hóa mà chỉ đi với chúng tôi - các họa
sĩ tỉnh lẻ.
Sau này những khi về Hà Nội tôi thường thăm Hội và mỗi lần gặp ông
ông lại cười hóm hỉnh: “Kin lẩu á”. Có lần ông cùng các họa sĩ Trần
Thức, Huỳnh Văn Gấm lên Thái Nguyên công tác với Bảo tàng Việt
Bắc, đến thăm tôi ông cùng đoàn chọn tranh của tôi về triển lãm dân
tộc tại Hà Nội... gặp nhau ông luôn đòi xem tranh và nhắc lại thời gian
ông sống ở Tây Bắc, Việt Bắc với bà con dân tộc - ông bảo: “Không gì
sung sướng bằng được vẽ những khuôn mặt, dáng vẻ hồn nhiên của các
cô gái dân tộc. Tại các cuộc triển lãm Hà Giang lần I, II ở Hà Nội
(1972, 1974), tranh vẽ người dân tộc của tôi cũng được Bảo tàng Mỹ
thuật Quốc gia chọn mua 6 bức.
Năm 1974, tôi lại được Hội Mỹ thuật Việt Nam mời tham gia trại sáng
tác đầu tiên của Hội tại Triều Khúc (Hà Nội). ở đây tôi lần đầu được
tiếp xúc các họa sĩ lớn của Việt Nam như: HS Trần Văn Cẩn, HS
Nguyễn Sáng, HS Phạm Văn Đôn... lúc các vị lên góp ý tranh các họa
sĩ trên trại sáng tác. Những đợt có mặt của ông - HS Mai Văn Hiến, tôi
luôn nhớ nụ cười đôn hậu và những câu pha trò hóm hỉnh của ông.
Họa sĩ Mai Văn Hiến sinh năm 1923 tại Đà Nẵng nhưng quê lại ở Mỹ
Tho - Tiền Giang. Từ nhỏ đã yêu mỹ thuật, nên năm 20 tuổi ông đã đỗ
vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (khóa 1943 - 1945). Năm
1945, Cách mạng tháng 8 bùng nổ, ông tham gia cách mạng bằng việc
vẽ tranh tuyên truyền cổ động; cuối năm 1945 ông cùng 3 họa sĩ khác
là Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Huyến và Nguyễn Văn Khang được
Chính phủ giao nhiệm vụ vẽ những tờ giấy bạc đầu tiên của Chính phủ
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1946 ông tham gia 3 tác phẩm Lồng
Chim, Gốc dâu và Cửa sổ tại triển lãm mỹ thuật tháng 8/1946 và được
nhận giải thưởng của báo Cứu Quốc. Thời gian đó ông là họa sĩ của
báo Cứu Quốc. Tham gia nhiều chiến dịch Đông Bắc, Tây Bắc, Thượng
Lào rồi chiến dịch Điện Biên Phủ nên ông có rất nhiều ký họa về bộ
đội, dân công làm tư liệu cho những sáng tác sau này của ông.
Sau hòa bình 1956, ông giải ngũ với cấp bậc đại úy và về công tác tại
Hội Mỹ thuật Việt Nam, với cương vị ủy viên Thường trực Hội, ông
góp phần tổ chức nhiều cuộc triển lãm mỹ thuật của Hội trong và ngoài
nước. Sau 1975 ông là Tổng biên tập tạp chí Mỹ thuật của Hội. Sau
1983 ông nghỉ hưu và chính đây là thời gian ông sáng tác nhiều nhất
các tác phẩm sơn dầu có khổ lớn về đề tài quân đội, cách mạng mà các
nhân vật thường là các anh lính Cụ Hồ, các cô dân công ông ký họa
được trên đường chiến dịch.
Tác phẩm hay được nhắc đến nhất của ông là Gặp nhau (bột màu -
1954), đây là tác phẩm tiêu biểu của ông trong thời kỳ tham gia các
chiến dịch kháng chiến chống thực dân Pháp. Hai nhân vật chính trong
đó dáng người thiếu nữ dân công lại chính là cô gái dân tộc Thái nơi
ông sống “3 cùng” với dân trong thời kỳ đó, vì ông thường nhờ cô ngồi
mẫu; tác phẩm đã đoạt giải nhì khi tham gia triển lãm mỹ thuật toàn
quốc năm 1954.
Một số tác phẩm khác cũng khá xuất sắc như: Trước giờ ra thao trường
- (sơn dầu - 1958), Những lời dạy bảo (sơn dầu - 1958). Bướm dọc
đường, Du kích Đông Bắc (1989), Anh bộ đội Cụ Hồ với nhân dân Tây
Bắc (1998)... cùng nhiều tranh sinh hoạt, chân dung và các tranh phong
cảnh đất nước...
Ông còn nhận nhiều giải thưởng Mỹ thuật của Hội như: Giải Nhất triển
lãm về đề tài Cách mạng và lực lượng vũ trang nhân dân (1989); Giải
Ba Hội Mỹ thuật Việt Nam (1995, 1999); Giải Ba Triển lãm Mỹ thuật
Quân đội; Giải nhì triển lãm Mỹ thuật về quân đội; rồi gần đây là giải
thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2001) và nhiều Huân - Huy
chương khác.
Nghe tin ông bị bạo bệnh và nằm liệt tại chỗ, chúng tôi thường đến
thăm ông (ở ngôi nhà 65 Nguyễn Thái Học) mỗi dịp ra Hà Nội. Thật
xúc động luôn thấy ông vẫn hóm hỉnh, tươi cười pha trò khi tôi gặp
ông: “Kim lẩu hớ”... Tôi đã ký họa chân dung tặng ông.
Sáu tháng sau, ông đã vĩnh viễn ra đi để làm bạn với các tên tuổi lớn
của nền Mỹ thuật quốc gia như các cụ Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn,
Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Đỗ Cung... Trong tay tôi còn có cả bức ký
họa quý giá của họa sĩ Văn Đa (khi họa sĩ Văn Đa đến thăm và vẽ ông)
do nhà văn Đỗ Chu tặng và bảo tôi: “Khi nào cậu có dịp viết bài trên
Tạp chí Mỹ thuật thì gửi đăng cho mọi người thưởng thức”
Ông ra đi rồi nhưng những tác phẩm vẽ bộ đội, dân công cùng cách
sống lạc quan, nụ cười hóm hỉnh luôn ghi nhớ mãi trong tôi.
Vi Quốc Hiệp
...