Thông tin tài liệu:
Mỗi nghệ sĩ một “tiếng nói”, có người ồn ào náo nhiệt, có người lại lặng lẽ trầm ngâm… thế hệ của những người làm nghệ thuật đương đại trong triển lãm này gần như rất chênh lệch nhau về tuổi tác, nhưng điểm nhìn của họ với nghệ thuật đương đại cùng chung một hướng. Có nhiều người hỏi tôi: “bạn nghĩ sao về các nghệ sĩ đương đại?”, Quả thật tôi cũng không biết phải trả lời thế nào về điều đó, vì chính bản thân tôi cũng là một người làm nghệ thuật đương đại, một...
Nội dung trích xuất từ tài liệu:
NHỮNG NGƯỜI LÀM NGHỆ THUẬT ĐƯƠNG ĐẠI
NHỮNG NGƯỜI LÀM NGHỆ THUẬT
ĐƯƠNG ĐẠI
Mỗi nghệ sĩ một “tiếng nói”, có người ồn ào náo nhiệt, có người lại lặng lẽ
trầm ngâm… thế hệ của những người làm nghệ thuật đương đại trong triển
lãm này gần như rất chênh lệch nhau về tuổi tác, nhưng điểm nhìn của họ
với nghệ thuật đương đại cùng chung một hướng.
Có nhiều người hỏi tôi: “bạn nghĩ sao về các nghệ sĩ đương đại?”, Quả thật
tôi cũng không biết phải trả lời thế nào về điều đó, vì chính bản thân tôi cũng
là một người làm nghệ thuật đương đại, một người trong số họ, với tôi tất cả
mọi thứ còn đang ở phía trước. Chỉ có một điều tôi khẳng định được, họ là
những người dũng cảm, bởi những gì họ đang làm không phải ai cũng thấy
nó hay, cũng thấy nó đáng được công nhận. Đã từng có nhiều cuộc triển lãm
nghệ thuật đương đại được tổ chức bởi những cá nhân, hay những nhóm
nghệ sĩ (người Việt Nam hoặc kết hợp với nghệ sĩ nước ngoài) ở cả ba miền,
sự làm việc tích cực của các nghệ sĩ trẻ với nghệ thuật đương đại như một
ngòi nổ với nghệ thuật Việt Nam trong suốt mấy thập kỷ vừa qua. Dường
như một trang mới cho nghệ thuật Việt Nam được bắt đầu từ sau sự kiện
festival contemporary art (một sự kiện có thể nói là lớn vì đây là lần đầu tiên
diễn ra rất quy mô với sự bảo trợ của Bộ Văn hóa Thông tin, Liên hiệp các
Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam và một số nhà tài
trợ) được tổ chức vừa qua tại Hà Nội đã ghi dấu ấn đó.
Với 60 tác phẩm nghệ thuật (installation, painting, performance, video art)
của 60 nghệ sĩ từ ba miền trên đất nước Việt Nam tham dự festival đã đưa ra
cho công chúng những quan điểm khác nhau về nghệ thuật đương đại,
những tiếng nói của họ với cuộc sống, con người… đa dạng , nhiều chiều.
Những ý tưởng và chất liệu được sử dụng trong triển lãm này cũng phong
phú và “đương đại”, sự pha trộn giữa những tư tưởng phương Tây và Đông
được kết hợp khá khéo léo ở một số tác phẩm. Cởi mở lòng mình với tất cả
thế giới dường như là tiêu chí chung. Tuy nhiên vẫn có những nghệ sĩ đành
phải thu bớt “cái nhìn” của mình lại để cho vừa tầm với những “cái nhìn”
khác, sự cân bằng là đáng kể.
Mỗi nghệ sĩ một “tiếng nói”, có người ồn ào náo nhiệt, có người lại lặng lẽ
trầm ngâm… thế hệ của những người làm nghệ thuật đương đại trong triển
lãm này gần như rất chênh lệch nhau về tuổi tác, nhưng điểm nhìn của họ
với nghệ thuật đương đại cùng chung một hướng. Dù đi nhiều con đường
khác nhau, bằng phẳng hay chông gai, có người đi đến cùng và cũng sẽ có
người bỏ cuộc… nhưng họ đang góp phần vào việc thay đổi cái nhìn quá xa
cũ và quen thuộc về nghệ thuật thị giác. Đó là sự không giới hạn của phương
pháp biểu hiện và gỡ bỏ những chừng mực hạn chế của những tư duy không
theo kịp thời đại.
Trong phạm vi của triển lãm này, có thể cho là đại diện cho rất nhiều những
nghệ sĩ đã và đang theo con đường làm nghệ thuật đương đại, có những tác
phẩm chưa thật sự có tính thuyết phục với những người quan tâm đến nghệ
thuật đương đại bởi nhiều lý do, nhưng đó là điều không tránh khỏi và hoàn
toàn tự nhiên với bất cứ hình thức nào, quan trọng hơn là họ dám đương đầu
với những thử thách, trước hết là với bản thân và sau nữa là với công chúng.
Khen hay chê chỉ là tính chủ quan của mỗi người. Làm nghệ thuật hay
thưởng thức nghệ thuật tốt hơn hết là “nhìn” bằng sự rung cảm của bản thân
mình. Mỗi người trong chúng ta đều có quyền chọn lựa.
Nguyễn Hương Giang