Thông tin tài liệu:
Từ ngày 11. 5 – 16. 5. 2011, Viet Art Center giới thiệu triển lãm hội họa Phía sau màu vàng của Đoàn Văn Đức đến từ Vũng Tàu. Họa sĩ sinh 1970, quê Thừa Thiên Huế, từng theo học khoa Sơn mài Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, sau khi tốt nghiệp sống và làm việc tại TP. Vũng Tàu như một nghệ sĩ tự do. Anh có nhiều năm theo đuổi hội họa có hình, rồi đến với hội họa Trừu tượng.
Nội dung trích xuất từ tài liệu:
PHÍA SAU MÀU VÀNG
PHÍA SAU MÀU VÀNG
Từ ngày 11. 5 – 16. 5. 2011, Viet Art Center giới thiệu triển lãm hội
họa Phía sau màu vàng của Đoàn Văn Đức đến từ Vũng Tàu. Họa sĩ
sinh 1970, quê Thừa Thiên Huế, từng theo học khoa Sơn mài Đại học
Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, sau khi tốt nghiệp sống và làm việc tại TP.
Vũng Tàu như một nghệ sĩ tự do. Anh có nhiều năm theo đuổi hội họa
có hình, rồi đến với hội họa Trừu tượng.
.
Sir Ernst Gombrich (1909 – 2001) trong cuốn Câu chuyện Nghệ thuật
(Story of Art) nổi tiếng cho rằng: “Trong nghệ thuật không có sự tiến
bộ”. Điều này có lẽ đúng với hội họa Trừu tượng, một thứ ngôn ngữ
không phụ thuộc vào các định luật thị giác và quy chuẩn tạo hình trước
đó, chỉ phụ thuộc vào tâm tư và ý tưởng tự do của nghệ sĩ khi có thể coi
bất cứ bề mặt nào cũng có thể biểu hiện một nội dung nhất định nào đó
của nghệ thuật.
Ở Việt Nam, có không ít nghệ sĩ vẽ trừu tượng, thành công và thất bại
ở mức độ khác nhau. Miền Nam có họa sĩ Nguyễn Trung, Đỗ Hoàng
Tường, Trần Văn Thảo, Nguyễn Tấn Cương… , miền Bắc có họa sĩ
Bùi Xuân Phái, Đỗ Minh Tâm, Phạm An Hải, Công Kim Hoa… và
miền Trung phải nhắc đến họa sĩ Vĩnh Phối và Trương Bé. Việc phụ
thuộc nhiều năm vào lối vẽ có hình, chú trọng sự diễn tả nhiều chi tiết
hay hình thể trên một bức tranh khiến các họa sĩ khó khăn khi đi vào
trừu tượng, một thứ hội họa tưởng như dễ dàng nhưng lại đòi hỏi khả
năng ngưng đọng tâm tư lên màu sắc và cá tính sáng tạo bất chấp của
nghệ sĩ. Con đường đó ai cũng dễ đi vào, lại khó có thể đi được xa và
lâu dài.
.
Khác với nhiều họa sĩ trừu tượng, Đức không sử dụng nhiều màu sắc
và thủ pháp tạo hình trong một bức tranh. Anh quan niệm một bức
tranh trừu tượng giống như một bề mặt phẳng tự nhiên trong cuộc sống,
và người nghệ sĩ chỉ cần tác động chút ít lên đó, còn lại để chất liệu cất
lên tiếng nói tự thân. Quan điểm sáng tác của anh gần gũi với nhà họa
sĩ Văn Ngọc cùng thành phố, người sử dụng rất nhiều đồ bỏ đi của các
kiện hàng gỗ chở tàu biển làm vật liệu chính trong tác phẩm của mình.
Văn Ngọc nói rằng khi đi qua các công trường xây dựng dở dang, Anh
thường đứng lại và say mê ngắm nhìn hệ thống giàn giáo và vật liệu
ngổn ngang trong đó, tự chúng hình thành nên những không gian ngẫu
nhiên hết sức hấp dẫn. Đoàn Văn Đức cũng ưa thích ngắm nhìn các bức
tường cũ kỹ rêu phong, những tấm vải bao bố đã qua sử dụng hay bất
kỳ một bề mặt nào của đồ vật trong đời sống hàng ngày của con người.
Cảm giác thô mộc, trực tiếp, cái kết cấu ngẫu nhiên của sự vật trong đời
sống, khi được nghệ sĩ phát hiện đôi khi lại có tiếng nói thuyết phục
hơn nhiều màu sắc và kỹ xảo của một bức tranh cầu kỳ.
.
Khi một xã hội càng hiện đại sẽ trở nên phức tạp ở nhiều khía cạnh.
Nghệ thuật sẽ càng có xu hướng trừu tượng bởi sự vật đã xuất hiện quá
nhiều, bao trùm đời sống thị giác và con người chuyển sang sống bằng
tư duy nội tâm và cảm giác nhiều hơn. Điều đó các họa sĩ thường nhìn
ra trước các chuyên gia kinh tế hay các nhà xã hội học bằng trực giác
sáng tạo và nhạy cảm từ sự thay đổi về lối sống, rõ ràng hơn các phân
tích học thuật và lý trí. Nghệ thuật Việt Nam chưa nhiều họa sĩ vẽ Trừu
tượng thành công, nhưng người Việt đô thị ngày nay đã bội thực bởi
đời sống nghe – nhìn thừa thãi, bắt đầu xuất hiện những cảm giác trừu
tượng trong tâm lý. Hạt nhân nghệ thuật ấy cũng cần người khám phá
nó và nghệ sĩ có thể đi rất xa khi họ càng ngày càng động chạm sâu sắc
hơn tới tâm tư con người và biểu hiện nó bằng ngôn ngữ đầy cá tính
như hiện tại.