Thông tin tài liệu:
Bạn bè gọi anh là Vinh-grigory bởi vóc dáng và tính khí đàn ông gồ ghề và lãng mạn thời chiến. Song anh hấp dẫn tôi bởi sự tinh tường và khiêm nhường hiếm có trong giới nghệ sĩ trẻ. Nói chuyện bỗ bã, thoải mái nhưng anh không khi nào suồng sã, thiếu cung kính lẫn nhau. Bên chén rượu, cốc trà anh nhìn nhận, đánh giá, bình chú về các tác giả bậc thầy, về các tác phẩm của họ như một nhà phê bình chuyên nghiệp. Anh thẩm định các tác phẩm của bạn đồng liêu,...
Nội dung trích xuất từ tài liệu:
TÔI ĐƯỢC BIẾT NGUYỄN VINH...
TÔI ĐƯỢC BIẾT NGUYỄN
VINH...
NGUYỄN VINH-Xiếc-bột màu, 1998
Bạn bè gọi anh là Vinh-grigory bởi vóc dáng và tính khí đàn ông gồ
ghề và lãng mạn thời chiến. Song anh hấp dẫn tôi bởi sự tinh tường và
khiêm nhường hiếm có trong giới nghệ sĩ trẻ. Nói chuyện bỗ bã, thoải
mái nhưng anh không khi nào suồng sã, thiếu cung kính lẫn nhau. Bên
chén rượu, cốc trà anh nhìn nhận, đánh giá, bình chú về các tác giả bậc
thầy, về các tác phẩm của họ như một nhà phê bình chuyên nghiệp.
Anh thẩm định các tác phẩm của bạn đồng liêu, đồng tuế và các bậc
hậu sinh công bằng, sắc xảo với một giọng hài hước chỉ thấy ở một bậc
cao niên mà chúng tôi cùng quý mến gọi là “cụ Hiến” (Mai Văn Hiến).
Trong phong thái dân gian ẩn dấu một tầm hiểu biết đáng nể, nên khi
anh trao đổi nghiêm túc về nghề nghiệp hay nói chuyện tào lao về nhân
tình thế thái “giải sầu” đều thú vị. Đôi khi bất chợt thấy họa sĩ là một
người khó tính và cầu toàn. Vào Sài Gòn mỗi khi chợt nhớ tới anh, tôi
như thấy lại một góc nhỏ Hà Nội của mình. Và điều đáng quý nhất là
tranh của Nguyễn Vinh cũng y như vậy!
Nếu xem lại những bức tĩnh vật vẽ đồ gốm và hoa năm 1979 của anh,
ta sẽ thấy những bước đi trước, và sau đó là cùng nhịp với hội họa của
các họa sĩ trẻ hơn 10 năm sau. Tác giả say mê khai thác các yếu tố tạo
hình, các mô-típ nghệ thuật truyền thống từ Đông Sơn tới tượng đình,
tượng chùa Bắc bộ và cài cấy chúng vào một không gian modernism
vừa bình đồ vừa lập thể. Anh cũng không ngần ngại thể nghiệm không
gian siêu thực cùng những kết hợp huyễn hoặc giữa trang trí ma mị và
thôi thúc nhục thể thường trực âm thầm. Hãy dừng lại trước bức vẽ
những bàn tay bị xuyên dây thép gai của dòng người Nam Kỳ Khởi
Nghĩa. Trong không gian cận cảnh đơn giản bất ngờ có cái hùng tráng
vô danh đúng vào bản chất của chủ nghĩa anh hùng áo vải. Bức tranh
Tọa độ là một bố cục phức hợp, công phu, tố cáo chiến tranh hủy diệt
với gam màu và các chi tiết hết sức xúc động. Hình ảnh đối lập giữa
những tọa độ thần chết vô cảm và các em bé thơ dại đang mơ màng
trong giấc ngủ an bình của tình thương, có sức tố cáo mãnh liệt. Rõ
ràng họa sĩ có những cách tiếp cận riêng đối với các đề tài lớn.
Những năm tháng hậu chiến thiếu thốn, ê chề thời mỹ thuật ta đi vào
ngõ cụt với căn bệnh “sơ lược và công thức” tưởng như hết thuốc chữa,
và sau đó là những năm tháng hào hứng sôi nổi của Hội họa đổi mới.
Nguyễn Vinh là một trong những họa sĩ đổi mới đầu tiên!
Ra đi lặng lẽ khi người ta còn chưa biết nhiều về mình nên những tác
phẩm mà Nguyễn Vinh để lại sẽ ngày càng hấp dẫn chúng ta, giúp ta
hiểu thêm về một họa sĩ đích thực của một thời đích thực.
NGUYỄN QUÂN