Trong tác phẩm của các nhà văn Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam - những tác giả tiêu biểu của văn xuôi Nam Bộ, thuộc những thế hệ cầm bút khác nhau - hình tượng con người Nam Bộ trọng nghĩa khinh tài được tập trung khắc họa ở nhiều góc độ: ngang tàng, hào hiệp, hết mình với bạn, sẵn sàng đùm bọc, sẻ chia nhưng cũng rất thẳng thắn, bộc trực, nghĩ sao nói vậy, không ưa quanh co, úp mở.
Nội dung trích xuất từ tài liệu:
Con người Nam Bộ trọng nghĩa khinh tài trong sáng tác của nhà văn Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam
JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2015-00012
Social Sci., 2015, Vol. 60, No. 3, pp. 68-74
This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn
CON NGƯỜI NAM BỘ TRỌNG NGHĨA KHINH TÀI
TRONG SÁNG TÁC CỦA NHÀ VĂN HỒ BIỂU CHÁNH,
BÌNH NGUYÊN LỘC VÀ SƠN NAM
Phạm Thị Thu Thuỷ
Khoa Xã hội, Trường Cao đẳng Hải Dương
Tóm tắt. Trong tác phẩm của các nhà văn Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam -
những tác giả tiêu biểu của văn xuôi Nam Bộ, thuộc những thế hệ cầm bút khác nhau - hình
tượng con người Nam Bộ trọng nghĩa khinh tài được tập trung khắc họa ở nhiều góc độ:
ngang tàng, hào hiệp, hết mình với bạn, sẵn sàng đùm bọc, sẻ chia nhưng cũng rất thẳng
thắn, bộc trực, nghĩ sao nói vậy, không ưa quanh co, úp mở. Đó vừa là ý thức phát huy giá
trị Việt Nam truyền thống, vừa là khẳng định nét độc đáo trong cốt cách Nam Bộ. Trọng
nghĩa khinh tài đã trở thành một mẫu số chung của con người Nam Bộ, tạo nên cảm hứng
dạt dào trong trang viết của các nhà văn vốn là con đẻ của mảnh đất phương Nam. Đó cũng
là điểm gặp gỡ của những tác giả cả cuộc đời đã, đang và sẽ không ngừng bị thôi thúc cầm
bút vì những con người yêu dấu của quê hương.
Từ khóa: Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, văn xuôi Nam Bộ, trọng nghĩa
khinh tài.
1. Mở đầu
Trọng nghĩa khinh tài không phải là tính cách riêng của người Nam Bộ mà là cách ứng xử
cao thượng có thể có ở bất cứ ai. Song, do vị trí địa lí, đặc điểm xã hội vùng miền và yếu tố thời
đại mà phẩm chất trọng nghĩa khinh tài từ lâu đã được xem như một đặc tính của người Nam Bộ.
Lí giải điều này, các tác giả cuốn Văn hóa học và Văn hóa Việt Nam cho rằng, với một nền
văn hóa gốc nông nghiệp điển hình như Việt Nam thì tổ chức nông thôn là lĩnh vực quan trọng
nhất, “chi phối cả truyền thống tổ chức quốc gia lẫn tổ chức đô thị, cả diện mạo xã hội lẫn tính
cách con người” [10;49]. Những lưu dân đến Nam Bộ trong niềm hoài vọng cội nguồn, trong ý
thức giữ gìn nền nếp cha ông chống lại những nguy cơ đồng hóa đến từ bên ngoài, họ không thể
không coi trọng chữ “nghĩa”. Mặt khác, họ tuy đều bần cùng nhưng lại được thiên nhiên vùng đất
mới hào phóng ban tặng trái thơm, quả ngọt, sản vật trên cạn, dưới nước, do đó họ không quá lụy
tiền tài, vật chất. “Trọng nghĩa khinh tài” vì vậy là đặc trưng tính cách của con người phương Nam.
Bài báo này, thông qua những sáng tạo nghệ thuật của các nhà văn Hồ Biểu Chánh, Bình
Nguyên Lộc và Sơn Nam - những tác giả tiêu biểu thuộc các thế hệ cầm bút của văn xuôi Nam Bộ
- đều đã khắc họa thành công hình ảnh con người Nam Bộ làm rõ hơn những nét tính cách đáng
trân trọng của con người miền đất tân lập.
Ngày nhận bài: 29/9/2014 Ngày nhận đăng: 02/4/2015
Liên hệ: Phạm Thị Thu Thuỷ, e-mail: phamthuthuyxhcdhd@gmail.com
68
Con người Nam Bộ trọng nghĩa khinh tài trong sáng tác của nhà văn Hồ Biểu Chánh...
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Hình mẫu trọng nghĩa khinh tài: những người dân lao động
Nhân dân, đặc biệt là những người dân lao động - không quyền sang chức trọng, mũ cao áo
dài - nhưng luôn sẵn lòng xả thân vì nghĩa. Các nhân vật Lê Văn Đó, Ba Thời, Hương sư Cu. . .
của Hồ Biểu Chánh hay Năm Hên, Hai Tích, Tư Hiền. . . của Sơn Nam là những con người biết
mở rộng lòng mình trước bất hạnh của kẻ khác, sẵn sàng đem hết khả năng cứu vớt những cảnh
ngộ đau thương. Lê Văn Đó (Ngọn cỏ gió đùa - Hồ Biểu Chánh) không quản hiểm nguy sông to
gió lớn đã cứu ông Sáu Thời thoát chết, lên tiếng bênh vực chở che cho Lí Ánh Nguyệt thân gái
đơn côi bị kẻ xấu hãm hại. Ba Thời (Cay đắng mùi đời - Hồ Biểu Chánh) dường như ít bận tâm
về hoàn cảnh riêng (chồng bỏ đi biền biệt, một thân một mình trơ trọi, có lúc phải ăn nhờ ở đậu
anh trai và chị dâu) đã nhận đứa trẻ bị bỏ rơi về chăm bẵm, yêu thương, chịu mọi đay nghiến, chì
chiết, nghi ngờ. Cảm thương tình cảnh cha con thằng Kim (cha chết không có chỗ chôn, chỉ để lại
cho con gia tài là một cái áo), vợ chồng Hai Tích (Một cuộc bể dâu - Sơn Nam) đã hết lòng cưu
mang, giúp đỡ. Tư Hiền (Đảng “Cánh buồm đen” - Sơn Nam), bất bình trước việc cha con người
bán tôm bị bọn cướp chặn đường giựt tiền, lại bắt cóc luôn cô con gái, không một phút chần chừ,
anh cương quyết mà điềm tĩnh, đòi lại sự công bằng cho những người lương thiện bé nhỏ ấy.
Từ suy nghĩ đến lời nói, từ lời nói đến hành động, con người Nam Bộ đều thể hiện tinh thần
nghĩa khí, hào hiệp. Ba Thời bồng thằng bé nhặt được ra bót trình ông cò, “tuy không chắc nuôi có
bền không song thấy đứa nhỏ dễ thương nên không đành rứt mà giao cho người khác, bởi vậy đứng
ngẫm nghĩ một hồi rồi xin với ông cò để cho mình nuôi” [11]. T ...