Bài viết trình bày thực trạng thoái hóa đất ở huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Trên cơ sở đó xác định nguyên nhân và đề xuất các giải pháp hạn chế thoái hóa đất, góp phần quản lý và sử dụng tài nguyên đất ở huyện Gio Linh theo hướng bền vững.
Nội dung trích xuất từ tài liệu:
Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp hạn chế thoái hóa đất ở huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị
NGHIÊN CỨU THỰC TRẠNG VÀ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP HẠN CHẾ
THOÁI HÓA ĐẤT Ở HUYỆN GIO LINH, TỈNH QUẢNG TRỊ
NGUYỄN THỊ MỸ LIÊN
PHAN THỊ THANH HUYỀN – TRƯƠNG THỊ MỸ LIỄU
Khoa Địa lý
1. MỞ ĐẦU
Đất đai là tài nguyên vô cùng quý giá của mỗi quốc gia, là tư liệu sản xuất không thể
thiếu và không thể thay thế được của ngành sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do quá
trình khai thác lâu dài cùng với những tác động của thiên tai, lũ lụt, hạn hán… đã làm
cho quá trình thoái hóa đất diễn ra mạnh mẽ, hiện tượng hoang mạc hóa ngày càng gia
tăng và đang trở thành vấn đề mang tính toàn cầu.
Gio Linh là một huyện nghèo của tỉnh Quảng Trị với tổng diện tích là 47.298,56 ha,
chiếm 9,97 % diện tích tự nhiên của toàn tỉnh [3]. Địa bàn huyện nằm trong vùng Bắc
Trung Bộ với đặc điểm khí hậu khắc nghiệt, nhiều thiên tai, địa hình có dạng bán bình
nguyên lượn sóng, dốc nghiêng từ Tây sang Đông, đồi núi chiếm đến 67,18 % diện tích
tự nhiên của toàn huyện. Do đó, tình trạng suy thoái đất ở huyện Gio Linh, tỉnh Quảng
Trị đang diễn ra trên diện rộng.
Với tỷ trọng ngành nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 50% cơ cấu kinh tế của huyện nên
đời sống, sinh kế của người dân phụ thuộc rất nhiều vào số lượng và chất lượng nguồn
tài nguyên đất đai vốn có của địa phương [4]. Tuy nhiên, do quá trình khai thác lâu dài,
kỹ thuật canh tác chưa đi đôi với việc bảo vệ tài nguyên đất, cùng với sức ép về sự gia
tăng dân số, quá trình đô thị hóa khó kiểm soát và hậu quả của bom đạn, chất độc hóa
học trong chiến tranh đã làm cho đất ở nhiều khu vực đã bị suy thoái nghiêm trọng, ảnh
hưởng đến năng suất cây trồng cũng như thu nhập của người dân.
Bằng phương pháp khảo sát thực địa, phương pháp phân tích và tổng hợp tài liệu,
phương pháp bản đồ và GIS, bài báo tập trung phân tích các quá trình thoái hóa đất và
các dạng thoái hóa đất ở huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Trên cơ sở đó xác định
nguyên nhân và đề xuất các giải pháp hạn chế thoái hóa đất, góp phần quản lý và sử
dụng tài nguyên đất ở huyện Gio Linh theo hướng bền vững.
2. THỰC TRẠNG THOÁI HÓA ĐẤT Ở HUYỆN GIO LINH, TỈNH QUẢNG TRỊ
2.1. Các quá trình thoái hóa đất ở huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị
2.1.1. Quá trình xói mòn, rửa trôi bề mặt
Trong điều kiện lượng mưa trung bình năm lớn, từ 2.500 - 2.700 mm, tập trung từ tháng
9 - 11 (chiếm tới 70 - 80% lượng mưa cả năm) [3], cùng với đặc trưng địa hình dốc
nghiêng từ Tây sang Đông đã tạo điều kiện cho quá trình xói mòn, rửa trôi diễn ra mãnh
liệt. Đây là một trong những quá trình thoái hóa đất chính ở khu vực nghiên cứu. Quá
Kỷ yếu Hội nghị Khoa học Sinh viên năm học 2013-2014
Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế, tháng 12/2013, tr: 219-227
220 NGUYỄN THỊ MỸ LIÊN và cs.
trình xói mòn và rửa trôi bề mặt đã làm cho tầng đất canh tác bị xói mòn, rửa trôi một
cách nhanh chóng.
- Bản chất của quá trình xói mòn dẫn đến thoái hóa đất: Quá trình xói mòn làm phá
vỡ cấu trúc của đất; cấu tượng đất rời rạc; do đó mùn, keo đất và chất dinh dưỡng
trong đất bị rửa trôi; dẫn đến Dung tích hấp phụ trao đổi cation của đất (CEC)
giảm nhanh, độ xốp giảm xuống; dung trọng và độ chặt đất tăng lên; các cation
Ca2+ và Mg2+ bị rửa trôi làm cho đất bị chua, độ bão hòa bazơ (BS) giảm. Hậu quả
là đất bị thoái hóa về mặt hóa học và vật lý, ảnh hưởng đến đời sống của vi sinh
vật, khả năng phát triển của cây trồng.
- Xói mòn, rửa trôi bề mặt để lại những hậu quả nghiêm trọng như: làm suy giảm
hàm lượng các chất dinh dưỡng N, P, K, Ca, Mg, và các nguyên tố vi lượng; làm
tăng độ chua và khả năng cố định lân ở tầng mặt. Tạo ra đơn vị đất có thành phần
cơ giới nhẹ, nghèo dinh dưỡng, CEC thấp ở tầng mặt, đất trở nên chặt bí, kết von
tăng, giảm khả năng thấm nước ở tầng dưới và giữ nước. Xói mòn bao gồm các
dạng: xói mòn bề mặt (một lớp đất mỏng trên bề mặt bị mất đi), xói mòn rãnh (tạo
thành các rãnh nhỏ trên mặt đất) hoặc xói mòn mương máng (tạo thành khe rộng
như sông, suối).
2.1.2. Quá trình feralit - laterit hóa hình thành kết von
Điều kiện khí hậu nhiệt đới đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phong hóa feralit
diễn ra mạnh mẽ, thúc đẩy quá trình khoáng hóa, rửa trôi các cation kềm, kiềm thổ trong
đất, tích tụ các secquioxit (R2O3), đồng thời hình thành khoáng kaolinit đặc trưng. Môi
trường đất trở nên chua, nghèo kiềm.
Bản chất của quá trình laterit chính là quá trình rửa trôi và tích tụ tuyệt đối các cation
Fe2+ , Fe3+, Al3+, Mn6+. Các cation này hấp phụ vào một nhóm mang điện tích âm hoặc
một tác nhân khác có tác dụng kết dính giữa các cation đó để tạo nên những liên kết
tương đối bền vững. Khi nhiệt đội môi trường lên cao, độ ẩm giảm, các liên kết này mất
nước sẽ tạo nên những ôxit kim loại rắn chắc.
2.1.3. Quá trình rửa trôi theo phẫu diện
Lượng mưa lớn và tập trung đã làm dung dịch đất trong suốt mùa mưa luôn bị pha
loãng. Hiện tượng cân bằng giữa tướng phân tán và môi trường phân tán luôn bị phá vỡ.
Lượng thừa đáng kể của dung dịch đất không còn đủ để tạo điều kiện thích ứng cho đất
hấp thụ cơ học, hấp thụ phân tử cũng như hấp thụ lý hóa nên đã theo trọng lực di
chuyển xuống các tầng đất dưới, trong các phẫu diện đất luôn tồn tại tầng tích tụ (tầng
B). Các loại khoáng có độ phân tán cao như keo hydroxit sắt lại đóng vai trò quan trọng
trong việc hạn chế quá trình rửa trôi theo phẫu diện [1].
Quá trình xói mòn bề mặt và rửa trôi theo phẫu diện khác nhau về cơ chế và có phần đối
lập nhau về hiện tượng. Việc hạn chế dòng chảy bề mặt bằng các biện pháp phòng
chống xói mòn sẽ làm tăng lượng nước trọng lực, làm tăng cường quá trình rửa trôi theo
phẫu diện. Như vậy, ở đây có thể thấy biểu hiện sinh động về tính thống nhất của tự
N ...