Thông tin tài liệu:
Lên sàn giao dịch chứng khoán hứa hẹn mang lại nhiều điều có lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài cơ hội tiếp cận được nhiều nguồn vốn trong và ngoài nước, việc chuẩn bị lên sàn còn được xem là dịp để các doanh nghiệp tự hoàn thiện chính mình. Nhìn từ góc độ thương hiệu, khi đã nhắm đến mục tiêu lâu dài, nếu chỉ trau chuốt dáng vẻ bên ngoài và hoàn thiện bộ máy bên trong thì chưa đủ.........
Nội dung trích xuất từ tài liệu:
Thương hiệu làm gì khi lên sàn?
Thương hiệu làm gì khi lên sàn?
Lên sàn giao dịch chứng khoán hứa hẹn mang lại nhiều điều có lợi cho
các doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài cơ hội tiếp cận được nhiều nguồn vốn trong và ngoài nước, việc
chuẩn bị lên sàn còn được xem là dịp để các doanh nghiệp tự hoàn
thiện chính mình. Nhìn từ góc độ thương hiệu, khi đã nhắm đến mục
tiêu lâu dài, nếu chỉ trau chuốt dáng vẻ bên ngoài và hoàn thiện bộ
máy bên trong thì chưa đủ...
Từ trau chuốt dáng vẻ bên ngoài...
Khi lên sàn, doanh nghiệp nào cũng mong muốn tạo được sự nhận biết rộng hơn
về thương hiệu của mình trên các phương tiện truyền thông. Một diện mạo
thương hiệu mới và đẹp sẽ có khả năng thu hút sự chú ý của khách hàng hơn. Từ
kiểu dáng logo, màu sắc cho đến bảng hiệu thương hiệu cần phải được thiết kế
ấn tượng và phù hợp với ngành nghề kinh doanh. Với mục tiêu này, nhiều doanh
nghiệp sẵn sàng chi cả chục ngàn USD cho một dự án đầu tư thiết kế một hệ
thống nhận diện thương hiệu mới chuyên nghiệp hơn.
Một hệ thống nhận diện thương hiệu có chất lượng không đơn thuần chỉ dựa
vào sự sáng tạo trong thiết kế mà quan trọng là nó phải được thiết kế một cách
có hệ thống theo định hướng. Mục tiêu cuối cùng là giúp khách hàng dễ dàng
nhận biết và phân biệt được thương hiệu này với những thương hiệu khác để
khi tiếp xúc với một logo, một bảng hiệu hay bao bì sản phẩm, khách hàng đều
có thể nhận ra thương hiệu đó.
Tuy nhiên trong thực tế việc triển khai hệ thống nhận diện thương hiệu là rất
khó. Yêu cầu bắt buộc là phải có sự nhất quán tại tất cả các điểm “tiếp xúc” với
khách hàng. Công việc này đòi hỏi người triển khai phải có kinh nghiệm từ việc
lựa chọn nhà thầu thi công cho đến việc chọn lựa chất liệu, màu sắc logo trên
kích thước thực tế.
... đến hoàn thiện bộ máy bên trong
Doanh nghiệp nào cũng mong muốn có một cơ cấu tổ chức phù hợp để có thể
phối hợp nhịp nhàng các phòng ban theo chiến lược và kế hoạch kinh doanh.
Và lên sàn là dịp để các doanh nghiệp tự hoàn thiện mình hơn thông qua các dự
án đầu tư về công nghệ, quy trình quản lý chất lượng sản phẩm hay dịch vụ.
Ngoài ra, các chương trình nâng cao năng lực quản trị của các cấp lãnh đạo cũng
là điều cần thiết đối với đa phần các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.
Với mục tiêu nâng cao năng lực quản trị, nhiều doanh nghiệp đã thuê các chuyên
gia hay công ty tư vấn nhưng đôi khi lại không thành công. Nguyên nhân thất bại
chính là do các doanh nghiệp trong nước chưa quen sử dụng dịch vụ tư vấn,
chuyên viên tư vấn hay nhà tư vấn nước ngoài không hiểu được đúng nhu cầu
của doanh nghiệp.
Cũng có những doanh nghiệp chọn cách liên kết với đối tác nước ngoài nhằm tìm
kiếm sự hỗ trợ về mặt quản trị cũng như tạo sự gia tăng cho uy tín thương hiệu
của mình. Hoặc nỗ lực thu hút chất xám bằng cách trả lương cao và hứa hẹn cổ
phần ưu đãi…
Quan trọng hơn hết là phần “hồn”
Tuy nhiên, khi đã nhắm đến mục tiêu xây dựng và phát triển thương hiệu lâu dài
thì việc trau chuốt dáng vẻ bên ngoài và hoàn thiện bộ máy bên trong vẫn chưa
đủ. Doanh nghiệp cần phải có một chiến lược thương hiệu làm nền tảng và cam
kết đầu tư lâu dài.
Một chiến lược thương hiệu bao gồm các yếu tố chính như tầm nhìn, giá trị,
định vị và tính cách của một thương hiệu. Đây được xem là các yếu tố cần thiết
để tạo nên phần “hồn” cho mỗi thương hiệu muốn để lại một dấu ấn riêng
trong tâm trí người tiêu dùng. Nó sẽ giúp thương hiệu này khác biệt hay vượt trội
hơn so với những thương hiệu cùng ngành khác.
Trong bối cảnh mà sản phẩm và dịch vụ không có nhiều sự khác biệt rõ ràng đối
với người tiêu dùng thì doanh nghiệp nào tạo dựng một bản sắc thương hiệu
riêng sẽ nắm xác suất thành công lớn. Dĩ nhiên bản sắc của thương hiệu được
xây dựng có định hướng này phải phù hợp với đối tượng khách hàng mà doanh
nghiệp nhắm đến.
Do khái niệm “hồn thương hiệu” còn khá mới mẻ đối với phần đông các doanh
nghiệp trong nước, nên đa phần các doanh nghiệp đã xây dựng thương hiệu theo
cảm tính mà chưa có sự đầu tư chuyên nghiệp và cam kết thực hiện theo chiến
lược. Hy vọng rằng khi đã lên sàn giao dịch chứng khoán sẽ có nhiều thương
hiệu trong nước nhắm đến những mục tiêu lớn và lâu dài chứ không chỉ nhắm
đến mục tiêu giá cả cổ phiếu trước mắt.
Thời báo kinh tế Sài Gòn