Thông tin tài liệu:
Nhờ nhiều tiến bộ nhảy vọt trong mô hình và kỹ thuật
nghiên cứu, thầy thuốc bây giờ đã hiểu rõ hơn về giấc
ngủ.
Nội dung trích xuất từ tài liệu:
Tiểu đường vì ngủ không ngon!
Tiểu đường vì ngủ không ngon!
Nhờ nhiều tiến bộ nhảy vọt trong mô hình và kỹ thuật
nghiên cứu, thầy thuốc bây giờ đã hiểu rõ hơn về giấc
ngủ.
Không như quan điểm trước đây
cho rằng chức năng của giấc ngủ
hầu như chỉ khu trú trong ý nghĩa
phục hồi, giấc ngủ trái lại là khoảnh khắc vô cùng quan
trọng vì là lúc cơ thể tiến hành nhiều hoạt động đa dạng
cần thiết cho sức khỏe. Theo nhiều nhà nghiên cứu, giấc
ngủ đầy đủ chất lượng thậm chí là một trong các yếu tố
quyết định để phòng ngừa nhiều bệnh chứng nghiêm
trọng.
Điều đó không còn là phỏng đoán kể từ khi chuyên gia
ngành nội tiết ở Hoa Kỳ chứng minh mối liên hệ mật thiết
giữa giấc ngủ và bệnh tiểu đường. Kết quả của một công
trình khảo sát kéo dài hàng chục năm với cả ngàn đối
tượng cho thấy: Người thường ngủ không đủ 5 giờ mỗi
đêm dễ bị bệnh tiểu đường khi vượt qua độ tuổi 40, nếu
so sánh với nhóm đồng niên ít khi bị mất ngủ.
Lý do rất đơn giản: Cảm giác mỏi mệt do ngủ không đủ
khiến hệ thần kinh hiểu lầm là cơ thể thiếu năng lượng.
Tuyến yên khi đó ra lệnh cho tụy tạng phóng thích nội tiết
tố insulin nhiều hơn nhu cầu trong thực tế nhằm thoái biến
chất đường để sinh năng lượng. Về mặt cơ chế thì không
sai nhưng tình trạng này nếu lặp đi lặp lại quá thường (do
nạn nhân thiếu ngủ thường xuyên) thì tụy tạng đến lúc
nào đó phải kiệt lực. Bệnh tiểu đường khi đó sẽ hình
thành một cách oan uổng.
Nhưng trái lại, nếu tưởng ngủ càng nhiều càng tốt, ngủ
càng nhiều càng ngừa được bệnh tiểu đường thì lại
nhầm. Các nhà nghiên cứu đồng thời cũng ghi nhận
người ngủ quá nhiều cũng là miếng mồi ngon của bệnh
tiểu đường. Lý do là vì đa số người dậy trễ ít khi là người
đã ngủ một giấc ngon lành. Trái lại, họ thường nằm
nướng trên giường hay ngủ mê mệt khi trời gần sáng là vì
hoặc chợp mắt quá trễ, hoặc tuy ngủ đúng giờ hay thậm
chí ngủ sớm nhưng thức giấc giữa đêm khuya và trằn trọc
đến gần sáng. Tuyến thượng thận khi đó ghi nhận tình
trạng này như một thể dạng stress và phóng thích nội tiết
tố làm tăng lượng đường trong máu. Người ngủ quá
nhiều, vì thế dễ có lượng đường trong máu vượt quá định
mức bình thường. Tình trạng này lúc đầu được điều chỉnh
bởi tụy tạng nhưng đến lúc nào đó sẽ trở thành bất trị.
Bệnh tiểu đường khi đó không mời vẫn đến.
Ai cũng rõ khổ đến thế nào nếu ăn không ngon, ngủ
không yên. Không riêng gì bệnh tiểu đường, nhiều căn
bệnh khác không kém phần nghiêm trọng sở dĩ phát tán
chỉ vì nạn nhân nhiều đêm trước đó không trọn giấc nồng.
Rất thường khi nhiều vấn đề trở nên phức tạp chỉ vì một
điểm khởi đầu tương đối đơn giản nhưng không được giải
quyết rốt ráo. Ngủ không ngon, ngủ chưa đủ là một dẫn
chứng. Không lạ gì nếu bệnh tiểu đường được so sánh
như cơn đại dịch của thế kỷ 21. Cuộc sống căng thẳng với
nhiều thứ luôn tăng giá chứ không giảm thì hẳn nhiều
người khó ngủ cho yên.