Chỉ là một món ăn quen thuộc nhưng lại có đến biết bao tên gọi và cách thưởng thức. Tào phớ vốn là món ăn dân dã, không chỉ thân thuộc, phổ biến ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước Châu Á khác. Tại một số nước như Trung Quốc, có những nơi, người ta còn ăn cơm chan tào phớ nữa.
Nội dung trích xuất từ tài liệu:
Điểm tên gọi của tào phớ - tàu hũ
Điểm tên gọi của tào phớ - tàu hũ
Chỉ là một món ăn quen thuộc nhưng lại có đến biết
bao tên gọi và cách thưởng thức.
Tào phớ vốn là món ăn dân dã, không chỉ thân thuộc,
phổ biến ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước Châu Á
khác. Tại một số nước như Trung Quốc, có những
nơi, người ta còn ăn cơm chan tào phớ nữa. Là loại
thức ăn mát, có tác dụng giải nhiệt, rất thích hợp để
thưởng thức trong mùa hè. Được làm từ đậu tương
nên bản thân tào phớ đã có mùi thơm rất nhẹ, làm say
mê lòng người. Thế nhưng lại ít ai biết được món tào
phớ ra đời từ thuở nào, người ta chỉ biết rằng ở Việt
Nam, gốc xuất xứ của nó là ở làng An Phú (nay thuộc
phường Nghĩa Đô - quận Cầu Giấy), trải qua biết bao
năm, nghề làm và bán tào phớ từ nghề phụ đã trở
thành nghề chính của người dân nơi đây. Ngày nay,
nghề làm và bán tào phớ phổ biến ở khắp nơi. Tuy
nhiên, ở mỗi vùng miền, địa phương, tào phớ lại biến
hóa khôn lường thành những cái tên khác nhau, cách
thưởng thức nhiều khi cũng khác nhau nữa.
Ở Hà Nội, hình ảnh những người gánh hàng rong bán
tào phớ không còn xa lạ, trên khắp các con đường
đều có thể tình cờ nhìn thấy hoặc nghe thấy những
tiếng “Ai...phớơơ đây” bất cứ lúc nào, đặc biệt là vào
mùa hè, rồi cứ thế dần dần, những gánh hàng rong
ngày nào được thay thế bằng những chiếc xe đạp với
thùng đựng tào phớ ở phía sau. Những người bán
hàng ấy thường đi chậm lắm, tiếng rao của họ vang
xa, rồi mỗi khi dừng chân lại bên họ, bạn sẽ nhận
được những bát tào phớ trắng ngà, ăn ngọt mát, vị bùi
bùi, vừa có hương thơm của đậu tương, vừa có hương
thơm nhẹ của hoa nhài. Chẳng là ở Hà Nội, tào phớ
thường được ăn với nước đường pha vừa miệng, ướp
hoa nhài tươi. Món tào phớ cũng hay ở chỗ, vào mùa
hè thì có thể cho thêm chút đá vụn để ăn cho mát còn
đến mùa đông, người ta lại cố đợi cho được bác hàng
phớ buổi sớm với mẻ phớ nóng hổi vừa xong, để cố
hít hà làn khói nhẹ mang theo hương thơm thoang
thoảng tỏa ra từ bát phớ đang sưởi ấm đôi tay. Cứ thế
hương vị tào phớ đọng lại trong lòng biết bao người
Hà Nội.
Ở một số vùng, cũng với cách ăn tào phớ như ở Hà
Nội, người ta còn gọi tào phớ là “đậu hoa”, cái tên đã
làm nổi bật lên hương thơm của hoa nhài. Gọi là đậu
hoa bởi món tào phớ cũng gần giống như đậu non,
khi chan nước đường ướp hoa nhài, thực khách sẽ
không chỉ cảm nhận được vị thanh, vị bùi từ từng lát
tào phớ mà còn nghe đâu đó hương thanh thanh, ngọt
ngọt của hoa nhài.
Theo chân gánh hàng rong của những người bán tào
phớ rong ruổi đến mảnh đất miền Trung, người ta đã
gọi tào phớ bằng một cái tên khác là “đậu hủ”. Khoác
lên mình một cái tên khác, món tào phớ nơi đây cũng
đã khác nhiều so với tào phớ ở Hà Nội. Ngay từ
hương vị, cho đến cách thưởng thức đều có phần
khác biệt. Miếng đậu hủ ở nơi đây thường lỏng hơn,
không định hình, đậu hủ nấu có cho thêm chút gừng
giã dập hoặc xắt lát tạo nên hương thơm và vị cay
nồng khác hẳn so với vị thanh bùi của tào phớ Hà
Nội. Ở Huế, khi ăn đậu hủ thường không chan ngập
nước đường như ở Hà Nội mà tùy theo yêu cầu của
khách hàng người bán hàng sẽ rắc đường lên trên
hoặc không.
Đến với miền Nam mà đại diện là Sài Gòn, người dân
ở đây thường gọi món tào phớ là “tàu hũ”, so với tào
phớ ở miền Bắc và đậu hủ miền Trung, tàu hũ có
phần đặc hơn, có thể có cả nước cốt dừa, thường
được ăn nóng với nước đường, thêm chút gừng và ở
một số nơi khác còn bỏ thêm những viên bột lọc nhỏ
nữa. Ở Sài Gòn, cách thưởng thức tàu hũ cũng rất
sáng tạo, không chỉ phổ biến cách ăn thông thường
như ở miền Bắc và miền Trung, mà còn phổ biến
nhiều cách thưởng thức khác như là tàu hũ dầm với
nước đá, nước dừa… gọi là tàu hũ đá. Có những nơi
họ còn ăn tàu hũ với nhiều món phụ khác như trân
châu, thạch, hạt sen, long nhãn nữa.
Không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia Châu Á
khác, món tào phớ cũng rất phổ biến. Ở Đài Loan, tào
phớ thậm chí được dùng với các loại hạt như lạc, đỗ
cùng nước đường có gừng hay hạt dẻ. Mùa đông thì
ăn nóng còn mùa hè thì bỏ thêm chút nước đá. Tại
Hồng Kông, tào phớ còn được bán ở trong các siêu
thị như một món tráng miệng, thường được dùng với
nước đường có thể cho thêm mứt vừng đen hay sữa
dừa. Ở Malaysia và Singapore, món tào phớ cũng
được sử dụng với nước đường và đôi khi có cho thêm
hạt bạch quả.
Những điều giản dị thường phổ biến hơn cả, những
nét mộc mạc lại gần gũi khó quên, dường như món
tào phớ cũng vậy, món quà dân dã là thế mà qua biết
bao nhiêu mùa, qua biết bao nhiêu làng quê, bao
nhiêu vùng miền vẫn chinh phục biết bao nhiêu lòng
người…
...